8 bí kíp học Văn hiệu quả giúp các sĩ tử chinh phục kỳ thi THPT Quốc gia
Thứ ba, ngày 08-06-2021, 16:25
 
“Học văn là một cực hình!”, “Giờ văn bao giờ cũng buồn ngủ” vậy mà vẫn phải học, ôn để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nhằm hiện thực hóa ước mơ được bước chân vào cánh cổng trường đại học. Có phải đó cũng là tình trạng của các em? Và các em từng tự thỏa hiệp với bản thân, tặc lưỡi chấp nhận, đặt mục tiêu thấp đi thay vì cố gắng để thay đổi kết quả của chính mình?

Học sinh Trường Phổ thông Tuyên Quang tăng tốc ôn tập chuẩn bị kỳ thi THPT Quốc gia

Thực ra đó là “căn bệnh” chung của rất nhiều học sinh hiện nay bởi các em chưa biết học đúng cách. Vậy làm thế nào để tạo được hứng thú cũng như giúp các em có phương pháp học, ôn tập môn Ngữ văn hiệu quả, mời các em hãy cùng tham khảo và áp dụng 8 bí kíp học văn dưới đây:

Bí kíp số 1: Học từ cơ bản đến nâng cao.

Ôn tập lại kiến thức cơ bản dưới hình thức sơ đồ tư duy

Các em cần ôn lại những kiến thức cơ bản, tóm tắt nội dung phần phân tích đã học dưới hình thức sơ đồ tư duy, khi kiến thức nền tảng đã vững các em mới học đến những kiến thức lí luận nâng cao và cuối cùng là vận dụng những kiến thức đó để luyện các dạng đề.

Bí kíp số 2: Học theo chủ đề, chuyên đề.

Để giảm nhẹ áp lực học tập cũng như tránh lan man, thiếu tập trung khi ôn luyện, các em hãy học theo chủ đề, chuyên đề về: Giai đoạn văn học, thể loại văn học, phong cách sáng tác, khuynh hướng và quan điểm nghệ thuật, … Đây sẽ là cơ sở giúp các em củng cố lại kiến thức đã học một cách hệ thống, đầy đủ và là điều kiện thuận lợi để so sánh, liên tưởng, mở rộng vấn đề trong bài viết của các em.

Bí kíp số 3: Không học tủ và trông chờ may mắn.

Có nhiều em cho rằng năm trước, đề thi đã ra vào bài này, phần này, nên năm sau sẽ không rơi vào bài đó nữa. Nhận thức như vậy là chủ quan, vừa sai lầm, vừa thiển cận. Vì đề thi được chọn từ ngân hàng đề thi nên rất có thể lại được đưa vào năm tiếp theo. Tác phẩm này năm trước đưa vào phần Nghị luận văn học thì năm nay có thể được đưa vào phần Đọc hiểu hay Nghị luận xã hội. Vì vậy, các bạn thí sinh nên cố gắng ôn tập đều ở tất cả các phần, các bài trong chương trình thi, không nên học tủ. Học tủ sẽ tạo cảm giác lo lắng, làm ảnh hưởng đến tâm lí khi bước vào phòng thi.

Bí kíp số 4: Tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm.

Cách học giỏi văn hiệu quả nhất là đừng bao giờ sợ nó. Nếu là người có năng khiếu văn chương thì đó là lợi thế và là một điều may mắn. Tuy nhiên, nếu em không phải tuýp người này thì cũng không nên lo sợ bởi năng khiếu chỉ là một phần rất nhỏ. Điều các em cần có là sự quyết tâm, kiên nhẫn và áp dụng những cách học văn hiệu quả trong quá trình chinh phục nó. Để chinh phục môn văn đừng quên bước tham khảo nhé.

Các em nên tham khảo đề thi, đáp án, biểu điểm chính thức và dự bị những năm trước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc này sẽ giúp cho các em có một định hướng rõ ràng hơn trong việc ôn tập và làm bài thi. Khi đọc những tài liệu này, cần lưu ý đến điểm số dành cho từng ý; tại sao ý này điểm nhiều, ý kia điểm ít; cũng như trình tự sắp xếp các ý, phạm vi dẫn chứng,… Các em cũng nên học hỏi cách làm bài, kiến thức, cách mở bài, kết bài, triển khai ý, cách chuyển ý, trình bày, diễn đạt trong biểu điểm chấm thi, hay qua những bài văn đạt điểm cao trong các kì thi đại học trước đó. Như vậy, bài của các em sẽ rất sát với đáp án của Bộ và sẽ được đánh giá rất cao.

Bí kíp số 5: Phân bổ thời gian hợp lí khi làm đề.

Để bài văn đạt điểm cao, các em cần giải quyết đầy đủ, sâu sắc các yêu cầu của đề bài trong thời gian 120 phút. Vì vậy, việc phân bổ thời gian làm bài không hợp lí sẽ khiến bài làm văn có điểm số không cao.

Các em nên làm phần đọc hiểu trong vòng 20 phút, câu nghị luận xã hội khoảng 25 phút, thời gian còn lại dành cho câu nghị luận văn học, điều này giúp tránh được tình trạng dành quá nhiều thời gian làm phần đọc hiểu để rồi phần quan trọng nhất - “Làm văn” thì viết hời hợt, thiếu ý.

Bí kíp số 6: Viết đúng và trúng.

Rất nhiều em có ý nghĩ rằng viết càng dài càng tốt hoặc viết càng dài càng được nhiều điểm. Ý nghĩ ấy hoàn toàn sai lầm. Tất nhiên nếu bài văn ngắn quá sẽ làm mất hứng người chấm nhưng các em không nên viết quá lan man mà không rõ ý, không trúng với yêu cầu của đề bài.

Để đáp ứng được mục tiêu này, việc các em cần làm là lập dàn ý trước khi bắt đầu viết. Muốn có một bài văn tốt cần lập dàn ý bằng việc gạch đầu dòng các ý cần triển khai vào giấy nháp để đảm bảo trình tự làm ý nào trước ý nào sau; phân chia bố cục hợp lý, đảm bảo nội dung, tránh tình trạng thiếu trước hụt sau. Các em cần hiểu rằng: việc lập dàn ý giống như vạch định cho mình một kế hoạch, các bước đi khoa học dễ dàng thực hiện ý tưởng đã được định hình sẵn.

Bí kíp số 7: Trả lời 4 câu hỏi ở phần nghị luận xã hội.

Với phần làm văn nghị luận xã hội, ngoài việc giải thích, cắt nghĩa, phân tích vấn đề học sinh cũng nên lấy các dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu và thuyết phục. Học sinh có thể bắt đầu bằng việc trả lời các câu hỏi đơn giản: là gì? Vì sao? Ai? Làm như thế nào?

Đặc biệt, các em phải chú ý đến ý nghĩa của vấn đề với bản thân và cuộc sống, chú ý đến cả bài học nhận thức và bài học thay đổi hành động. Các em có thể rèn luyện bằng cách viết thoải mái một đoạn văn không giới hạn dung lượng rồi tóm tắt lại, loại bỏ ý trùng lặp, loại bỏ các câu vô nghĩa... từ đó hình thành cách viết của riêng mình. Để bài viết có điểm nhấn, những bài học rút ra phải thực sự chân thành, có thể sử dụng các cách diễn đạt khác thay cho câu văn, ý văn đã cũ đã sáo mòn có phần gượng ép, giả tạo.

Bí kíp số 8: Rèn luyện các thao tác nghị luận văn học.

Các dạng đề gần đây, thông thường sau khi yêu cầu phân tích, cảm nhận một đoạn trích, một nhân vật còn yêu cầu học sinh phải so sánh, bình luận các vấn đề lí luận liên quan. Vì thế, các em cần chú ý phân tích đề, rèn luyện việc sử dụng các thao tác lập luận. Khi học bất cứ tác phẩm nào cũng cần có ý thức liên hệ, dẫn ra một số tác phẩm có chung đề tài. Muốn đạt điểm cao cần có thêm kiến thức lí luận liên quan đến các giai đoạn, khuynh hướng sáng tác như: cảm hứng sử thi, khuynh hướng lãng mạn, cảm hứng đời tư thế sự, màu sắc dân tộc... trong các tác phẩm.

Hy vọng với 8 bí kíp trên đây sẽ là những chia sẻ hữu ích cho các em, giúp các em có thêm tự tin để hoàn thành tốt nhất bài thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Chỉ còn 1 bước nữa để các em chạm tay vào ngôi trường đại học mà các em mơ ước, hãy thật bình tĩnh, tự tin để chinh phục kỳ thi với điểm số cao nhất nhé!