Trước thềm năm học mới, các bậc cha mẹ dường như vẫn “canh cánh” nỗi lòng khi con vào lớp 1. Với nhiều năm liên tục là giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố và chiến sĩ thi đua, cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt, cựu giáo viên trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) đã có những chia sẻ về việc này.
Cô Nguyệt cho biết, trước khi con vào lớp 1, phụ huynh nên cho các con đến ngôi trường các con sắp theo học và có thể bằng những câu hỏi gợi mở: “Đây là trường con sắp theo học. Con thấy trường có rộng không, có đẹp không?” để tạo cho trẻ hứng thú khi bước vào môi trường mới. Khi bắt đầu có danh sách nhận cô giáo, nên đến gặp giáo viên để hỏi những vấn đề còn đang lúng túng để được tư vấn, giúp các con thích được đến trường và thích được học.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt trong lễ kỷ niệm 95 năm thành lập trường Lê Ngọc Hân
Chia sẻ về quan điểm có nên cho trẻ đi học trước hay không, cô Nguyệt cho biết, trước khi con vào lớp 1, nên cho các con biết các nét chữ trong bảng chữ cái, các nét chữ khi viết con chữ, cách cầm bút, tư thế ngồi và làm quen 10 số đầu (từ 0 - 9).
Cô cũng cho biết thêm, nếu dạy trước một cách bài bản, tâm lý trẻ khi vào lớp sẽ rất chủ quan. Nhiều bố mẹ sợ con không theo kịp nên thuê gia sư cho con và yêu cầu cho làm trước bài của ngày hôm sau. Điều này khiến các con khó có thể phát triển tư duy.
Cô kể: “Tôi đã từng gặp trường hợp các con đi học hàng ngày đều được 9, 10 điểm, bỗng dưng có ngày chỉ được 5, 6 điểm. Khi hỏi lý do, con cho biết vì cô gia sư ốm nên không dạy bài này”. Trẻ không thể tiếp thu kiến thức nếu học theo kiểu “nhai lại” như thế này. Đồng thời, các con sẽ có tâm lý ỷ lại và cảm thấy không cần tập trung vào bài giảng trên lớp. Trường hợp thấy con chậm hơn các bạn, muốn cho con đi học thêm, cha mẹ nên trao đổi với giáo viên để củng cố lại kiến thức đã học trên lớp và hướng dẫn các con chuẩn bị bài ngày hôm sau sẽ học về vấn đề gì: Toán, Tiếng Việt (cách đọc).
Dạy con vào lớp 1 không nên tham, cũng đừng ép con, bố mẹ phải thấy khả năng của con mình đến đâu.
Bố mẹ nên để các con tự lập, không nên “làm hết cho con”. Thời gian đầu, bố mẹ có thể cùng con soạn sách vở, sau đó, dần dần phải để con độc lập trong chuẩn bị đồ dùng học tập. Tránh trường hợp trẻ chỉ đeo balo đến trường mà không biết trong cặp mình có gì. Có những bé khi thiếu dụng cụ học tập, cô giáo hỏi lại nói rằng: “Là do bố mẹ con không chuẩn bị”.
Khi mới đi học, cách cầm bút của trẻ cũng rất cần thiết. Có bé cầm quá xa ngòi bút nhưng cũng có bé lại cầm quá sát. Bắt đầu cầm bút, cổ tay bé lúc nào cũng phải thẳng, quyển vở có thể chếch một chút, như vậy sau này trẻ mới có thể viết nhanh được. Phụ huynh cũng cần chú ý đến tư thế ngồi và tư thế cầm bút của các con để tránh hình thành thói quen trong suốt năm học, sau này sẽ rất khó sửa.
Bố mẹ thường cho con luyện tay trước cho "bớt cứng", nhưng thực chất như vậy là không nên
Tâm lý của cha mẹ thường cho con luyện viết nhiều để tay “bớt cứng”, nhưng thực chất không phải như vậy. Giai đoạn con vào lớp 1, cơ tay trẻ khá yếu nên không thể viết được nhiều. Cha mẹ không nên cho con viết quá nhiều, mà chỉ nên cho con luyện từng chút một và có thể tăng dần lượng chữ viết theo thời gian. Nếu cho trẻ viết nhiều, khi trẻ mỏi tay, chữ sẽ càng xấu và không rèn được.
Các con chuyển từ lớp mẫu giáo sang cấp 1 với nề nếp học hành là sự thay đổi môi trường lớn. Các con chưa thể làm quen được ngay. Hơn nữa, khả năng tập trung của bé chưa cao, vì vậy, khi các con làm bài, cô giáo và cha mẹ không nên yêu cầu con ngồi lâu để làm bài suốt buổi tối (khoảng 1-2 giờ) mà nên nên cho con nghỉ giải lao và tập các động tác vận động để tránh mệt mỏi. Cha mẹ cũng có thể tranh thủ khoảng thời gian này để tâm sự với con về những việc ở lớp.
Cha mẹ nên thường xuyên tâm sự với con những chuyện ở trường
Ngoài ra, phụ huynh và giáo viên cần có sự trao đổi thường xuyên để thống nhất phương pháp học tập. Vì thế, trong các buổi họp phụ huynh, bên cạnh việc giới thiệu các bộ môn theo từng học kỳ, thầy cô nên hướng dẫn phương pháp và nội dung chính cho phụ huynh ở một số dạng bài để giúp cha mẹ lúc ở nhà có thể hướng dẫn con một cách phù hợp, hiệu quả và hoàn thành bài dễ dàng, tránh con nói: “Cô giáo con dạy không như mẹ hướng dẫn”.
Khi con học ở nhà, cha mẹ nên hướng dẫn con cách đọc có ngữ điệu, tránh đọc ê a và khi viết, các con nên đọc 2-3 tiếng để ghi nhớ trong đầu, tránh tình trạng đọc một chữ viết một chữ sẽ khiến các con viết lâu và dễ bị mỏi cổ.
Bố mẹ và thầy cô cần hiểu tâm lý của trẻ, trẻ thích được khen nhiều hơn chê: “Càng chê trẻ càng nản, càng nản con càng không muốn học”. Khi dạy các con, bố mẹ và thầy cô phải kiên trì, vừa dạy chữ nhưng vừa động viên. “Có thể khi mới học, các con viết chữ chưa đẹp nhưng ngày hôm nay, bé có cố gắng hơn, dù chỉ một chút, bố mẹ cũng nên động viên con, để bé thấy rằng thầy cô, bố mẹ tin vào mình và rõ ràng mình có tiến bộ hơn ngày hôm qua”. Như vậy, trẻ sẽ dần tạo cho mình ý thức để phấn đấu.
"Chữ con hôm nay viết đẹp hơn hôm qua, ngày mai con hãy cố gắng hơn nhé"
Bố mẹ cần tạo cho trẻ sự độc lập suy nghĩ, mạnh dạn trong giao tiếp, nên động viên con khi đến lớp nên tích cực giơ tay phát biểu, ngay cả với những bài chưa hiểu, trẻ cần mạnh dạn hỏi lại cô.
Bản thân người làm giáo viên cũng cần khơi gợi cho học sinh sự mạnh dạn trong học tập và thường xuyên ôn lại các dạng bài cho trẻ. Có những em rất thích được gọi lên bảng để làm bài nhưng cũng có những em nhút nhát. Trường hợp này, thầy cô cũng nên thỉnh thoảng gọi các em để hình thành sự mạnh dạn trong học tập.
Cha mẹ cùng thầy cô cần đồng hành trong việc khơi gợi cho học sinh sự mạnh dạn trong học tập
Thời gian các bé ở nhà trường và tiếp xúc với giáo viên rất nhiều, do vậy, thầy cô không chỉ dạy con kiến thức, mà dạy các con nếp học tập, thưa gửi, chào hỏi, biết sẻ chia với các bạn, biết cảm ơn, xin lỗi khi ở trường và lúc ở nhà. Giáo viên nên trao đổi cả những vấn đề này cho cha mẹ học sinh. Tuy vậy, bố mẹ vẫn là “tấm gương mẫu mực” cho con. Do vậy, phụ huynh cũng cần chú ý hình ảnh, lời nói của mình để các con noi theo.
Theo Đời sống & Pháp lý