Muôn vàn tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc
Thứ ba, ngày 14-12-2021, 09:27
 
Trong hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, tư tưởng yêu thương con người chiếm giữ một vị trí rất quan trọng.

Muôn vàn tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc - Ảnh 1.

Ảnh Tư liệu

Đó là sự quan tâm, biết ơn, trân trọng, tin tưởng vào sức mạnh của con người, quyết tâm hành động để mang lại hạnh phúc, ấm no cho con người, giải phóng con người; là tình yêu thương con người của một trái tim lớn và vô cùng nhân hậu. Tình yêu thương con người ấy là động lực mãnh liệt thôi thúc hoạt động không mệt mỏi vì nước, vì dân của Người, cũng là nền gốc để quy tụ, đoàn kết hết thảy mọi tầng lớp, mọi lực lượng. Điều này được thể hiện sâu sắc qua mỗi lời nói, việc làm, bài viết và đặc biệt là những căn dặn của Người trong bản Di chúc thiêng liêng.       

Di chúc để lại những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền và sự lãnh đạo của Đảng; về chăm lo đối với con người và thế hệ trẻ; về quản lý, chính sách và an sinh xã hội sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi. Di chúc là sự tổng kết lý luận và thực tiễn về sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc Việt Nam, là lý luận về đổi mới và tương lai phát triển của đất nước, đặc biệt thể hiện tình yêu thương bao la của Bác đối với con người. Bởi theo Người, tình yêu thương con người không thể chung chung, trừu tượng, mà thiết thực. Người dành cả cuộc đời để lo giải phóng cho dân tộc, đấu tranh cho con người thoát khỏi áp bức, bất công như Người đã từng nói: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân; những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó . Kế thừa truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, kết hợp với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản, tiếp thu tinh thần nhân văn của nhân loại qua nhiều thế kỷ cùng với việc thể nghiệm của chính bản thân mình qua hoạt động cách mạng thực tiễn, Hồ Chí Minh đã xác định: Yêu thương con người là một trong những phẩm chất đạo đức cao đẹp nhất.

Tình yêu thương con người của Bác Hồ là rất cụ thể, từ việc to như lo giải phóng cho con người, khuyến khích: "Phần tốt ở mỗi con người nẩy nở như hoa mùa xuân, và phần xấu bị mất dần đi", đến việc chăm lo từng con người cụ thể, không chỉ: Lụa tặng cụ già, sữa tặng bà mẹ sinh ba, mà là từng bát cơm, manh áo, từ chỗ ở, việc làm để an cư, lạc nghiệp đến tương cà mắm muối hàng ngày cho nhân dân. Bác lo cho cả dân tộc và chăm lo cho từng chiến sỹ bảo vệ, phục vụ quanh Người. Theo Bác: Yêu thương con người là phải tôn trọng, quý trọng con người. Bác đánh giá cao vai trò của nhân dân: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân". Bác tôn trọng từ các nhà khoa học, các bậc hiền tài cho tới những người lao công quét rác, bởi theo Bác, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Theo Bác, yêu thương con người là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Năm 1968, khi làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương về việc xuất bản sách "Người tốt, việc tốt", nhằm tuyên truyền sâu rộng những gương điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất, trong ứng xử giữa những con người, Bác Hồ đã nhắc nhở: "Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình, có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin được".

Yêu thương con người vận dụng vào trong Đảng, trong tổ chức là phải "có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Đồng chí Vũ Kỳ, Thư ký riêng của Bác kể lại: Vào dịp tháng 5 các năm 1966, 1968, 1969, Bác đều cho mang bản Di chúc đã viết năm 1965 ra để bổ sung, sửa chữa. Năm 1966, bên cạnh câu đã đánh máy từ năm 1965: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng", Bác ghi thêm vào cùng dòng câu: "Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Chỉ một dòng này thôi, cho thấy sự trăn trở của Người về việc không ngừng rèn luyện đạo đức cho mỗi cán bộ, đảng viên. Trong bản tự tay đánh máy năm 1965, Bác gạch chân 5 chữ: Tự phê bình và phê bình. Song dường như việc nhấn mạnh, kể cả đặt chữ tự phê bình lên trước phê bình chưa làm Người yên tâm, nên năm 1966 Người bổ sung thêm câu: Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Đây chính là đòi hỏi xác định động cơ, hay nói chính xác hơn là cái Tâm của người phê bình. Bởi khi phê bình nhau, cần đúng lúc đúng chỗ đã khó, song mục đích phê bình để giúp đỡ nhau tiến bộ mới quan trọng hơn, cái vũ khí phê bình ấy phải trở thành văn hoá phê bình, chứ không phải là cớ để sát phạt, bới móc nhau. Di chúc thiêng liêng của Người căn dặn Đảng phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau chính là điều nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn chú ý đến phẩm chất yêu thương con người. Đây là tình yêu trên nguyên tắc tự phê bình và phê bình một cách chân thành, nghiêm túc giữa những người cùng lý tưởng, cùng phấn đấu cho một sự nghiệp chung. Nó hoàn toàn xa lạ với thái độ ''dĩ hòa vi quý'', bao che sai lầm khuyết điểm cho nhau, càng xa lạ với thái độ yêu ghét chủ quan cảm tính, các hiện tượng kéo bè, kéo cánh, phường hội có thể đưa đến những tổn thất lớn cho Đảng, cho cách mạng.

Xuất phát từ yêu thương bao la ấy, khi viết về những việc Đảng, Nhà nước cần làm sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Người đã nhấn mạnh: "Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...) Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh". Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha, mẹ vợ, con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói, rét..."(1). Lời căn dặn trên của Người là sự thể hiện thấm nhuần đạo lý, truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay của người Việt Nam là "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" và tôn vinh những người có công với cách mạng.

Trong chiến lược xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Người rất quan tâm tới những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đã được rèn luyện trong chiến đấu. Người đã căn dặn: "Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta"(2) .Và đây là tư tưởng thể hiện rất rõ sự thống nhất giữa tính nhân văn cộng sản, tầm nhìn chiến lược về việc lựa chọn, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tế của cuộc sống đã chứng minh tư tưởng ấy của Người là hoàn toàn đúng đắn.

Không những vậy, Người còn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc bồi dưỡng, cất nhắc, giúp đỡ phụ nữ để họ được tiến bộ, bình đẳng và thật sự được giải phóng. Người đã khẳng định: Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ"(3).

Ngay cả đối với những người Việt Nam lầm lỡ, trước đây làm việc cho chế độ cũ hoặc không lương thiện trong chế độ cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gọi họ là "nạn nhân của chế độ xã hội cũ" và Người nhắc nhở: "Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện"(4) . Và đây cũng chính là truyền thống khoan dung, triết lý sống khoan dung của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, khắc sâu thêm vào tâm khảm mỗi chúng ta.

Cũng xuất phát từ truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" và quan điểm an dân, khoan sức dân là kế sách giữ nước vừa sâu gốc, bền rễ, nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị: "Miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất..."(5).

Tình yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không biên giới. Trước hết, Người lo cho dân tộc của mình và sau đó, Người lo cho tất cả những kiếp người trên hành tinh còn bị đoạ đầy, đau khổ, bởi vì: "Họ là thân thích ruột già, công nông thế giới đều là anh em". Tư tưởng yêu thương con người được Hồ Chí Minh nêu lên và vận động mọi người cùng thực hiện suốt cả cuộc đời. Và Di chúc của Người thực sự là mẫu mực tuyệt vời về sự ứng xử tinh tế và cao thượng của một vị lãnh tụ cách mạng thiên tài, người con ưu tú của dân tộc, sự khoáng đạt, cởi mở, hài hòa, nhân ái, vị tha, khoan dung, độ lượng và tình nghĩa thủy chung, sâu sắc. Đó là sự hoàn chỉnh Chân - Thiện - Mỹ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân sinh động và cảm động, có sức cảm hóa lay động muôn triệu trái tim con người Việt Nam và nhân loại trên thế giới. Đó thực sự là phong cách ứng xử tinh tế của con người Hồ Chí Minh. Người viết: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế". Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ sự vĩ đại trong con người Bác. Và như thế, chúng ta càng phải đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Bởi, đó là động lực to lớn để nhân dân ta, đất nước ta sớm tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng hiện chúng ta cũng đang làm mạnh với các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII, rồi Quy định về trách nhiệm nêu gương trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương..., những nội dung đó cũng theo tinh thần Di chúc của Bác để nâng cao hơn nữa tinh thần phê bình và tự phê bình của các thế hệ đảng viên.

                                                                                                                      Ths. Nguyễn Thị Bình

Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch              

 

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2002, t.12, tr.504.

(2) Sđd, t.12, tr.504.

(3) Sđd, t.12, tr.503.

(4) Sđd, t.12, tr.504.

(5) Sđd, t.12, tr.504.