Chia sẻ kinh nghiệm ôn thi hiệu quả trong thời gian gấp rút
Chủ nhật, ngày 05-07-2020, 21:07
 
Làm thế nào để ôn thi hiệu quả luôn là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các sĩ tử sắp phải đối mặt với kỳ thi sắp tới. Vậy làm thế nào để có phương pháp ôn thi hiệu quả, khoa học, tiết kiệm thời gian và công sức? Dưới đây sẽ là một số kinh nghiệm ôn thi giúp các bạn tự tin, chủ động:

1. Lên lịch trình từ sớm

Thầy giao Sergio Della Sala là giảng viên từ Đại học Edinburgh cho rằng cách ôn bài tối ưu nhất là phải được thực hiện liên tục và quan trọng là bắt đầu từ sớm nhất có thể. Việc ôn bài theo phương pháp chia nội dung thành từng mục nhỏ sẽ tốt hơn là học kiểu gấp rút “nước tới chân mới nhảy”. Bạn có thể sử dụng flashcard và mang theo trong túi sách để ôn luyện mọi lúc mọi nơi.

2. Không thức quá khuya.

Nhiều bạn cố thức khuya học bài quá 11, 12 giờ khuya, thậm chí “overnight”, thức trắng đêm luôn với ly cà phê chống buồn ngủ. Điều đó sẽ hại cho sức khỏe của bạn nghiêm trọng. Có bạn thức đêm để rồi ngày mai rồi ngủ… bù. Thức đêm như thế thì thức làm gì cho vô ích ?

Cơ thể cần giấc ngủ đủ 7, 8 tiếng vào ban đêm để nghỉ ngơi, phục hồi sinh lực. Thiếu ngủ sẽ khiến bạn mệt mỏi, thậm chí suy nhược cơ thể. Đừng ép cơ thể bạn trái với nhịp sinh học. Đừng nên thức quá 10 giờ khuya. Và hãy dậy khoảng 5 giờ rưỡi sáng, tập thể dục khởi động cơ thể 10 phút, sau đó đã ngồi vào bàn học. Buổi trưa, nếu có thể, bạn nên ngủ 30 phút đến 1 giờ, nếu bạn học buổi chiều, xa trường thì “chợp mắt” khoảng 15 – 20 phút cũng rất quý.

3. Tự học mỗi ngày

Việc đọc đi đọc lại sẽ giúp bạn nhuần nhuyễn những kiến thức đó mà không cần phải học vẹt. Theo David Cox, sinh viên ngành Tâm lý học, đã khẳng định việc lặp lại là một trong những cách hiệu quả nhất để ghi nhớ và xử lý thông tin. Bạn cũng có thể ghi nhớ kiến thức bằng những phương pháp “thân thiện” hơn, ví dụ, thay vì gạch chân hoặc highlight nội dung trong sách, bạn có thể brainstorm hay đọc to thông tin đó lên để ghi nhớ kiến thức vừa đọc qua.

4. Viết ra giấy

Đừng “lẩm bẩm” học thuộc lòng như … tụng kinh. Không chỉ các từ mới tiếng Anh, công thức Toán – Lý – Hóa mà cả kiến thức Văn – Sử – Địa đều cần viết ra giấy khi bạn học bài, ôn tập. Viết ra giấy kết hợp với ghi nhớ chủ động sẽ giúp bạn dễ dàng khắc sâu kiến thức rất hiệu quả. Các nhà khoa học cho rằng, viết sẽ kích thích não ghi nhớ, và đó cũng là một hình thức trực quan trong tiếp thu kiến thức.

5. Thực hành, thực hành, thực hành…

Bạn hãy tự vận dụng, củng cố kiến thức qua việc giải các bài tập, làm các bài thực hành. Đừng học công thức suông, hãy kết hợp các bài tập có áp dụng công thức đó, làm đi làm lại nhiều lần, khi nào hoàn chỉnh mới thôi. Đừng đọc những bài văn mẫu rồi để đó, hãy tự viết lại một đoạn văn hoặc bài văn với những ý vừa tham khảo được theo cách diễn đạt của mình. Đừng học các cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh riêng lẻ, hãy làm các bài tập với dạng cấu trúc đó. Hãy giải thật nhiều bài tập và đề thi tham khảo, tiếp xúc nhiều dạng đề, thật cẩn thận và kiên nhẫn giải từng câu một. Hiện có rất nhiều sách bài tập, đề tham khảo có đáp án. Khi giải bài tập, bạn đừng vội mở đáp án ra xem. Giải xong, xem đáp án, nếu thấy mình sai thì tự giải lại cho đúng mới thôi.

6. Trao đổi với bạn bè

“Học thầy không tày học bạn”, trao đổi với bạn bè là cách giúp bạn nhớ bài lâu nhất. Nhiều bạn chia sẻ “Với các bài kiểm tra, việc gia nhập vào nhóm ôn bài là cách học tốt nhất với mình. Qua đó bọn mình có thể trao đổi các ý tưởng và các phương án với nhau. Bằng việc giải đáp thắc mắc của một ai khác, bạn có thể khẳng định và kiểm định nội dung mình đã học qua xem có chính xác hay chưa”.

7. Không để những “khoảng trắng” về kiến thức

Kiến thức quá phong phú, đa dạng. Ai cũng có những “lỗ hổng” kiến thức nhất định, không nhiều thì ít. Bạn hãy bám sát chuẩn kiến thức mà thầy cô giáo ôn tập cho học sinh để lấp đầy hoặc một phần “lỗ hổng” kiến thức đó. Nên nhớ rằng “muộn còn hơn không”. Vài “lỗ hổng” nhỏ về kiến thức thì không quá nghiêm trọng, nhưng bạn không được để những “khoảng trắng” về kiến thức, tức là hoàn toàn không hiểu, không biết gì về một mảng nào đó. Bài thi có những câu không quá khó nhưng bạn không làm được chút nào, 0.25 điểm cũng không có, là do những “khoảng trắng” kiến thức của bạn. Hãy mạnh dạn nhờ thầy cô hoặc bạn bè giúp đỡ, tuyệt đối không giấu dốt, không sợ “quê”. Không ai cười chê người có tinh thần học hỏi.

8. Rèn luyện kỹ năng tập trung

Để ôn bài có hiệu quả, quan trọng nhất là sự tập trung. Các thứ giải trí trên sẽ phân tán suy nghĩ của bạn. Thời gian không còn nhiều nữa. Hãy cẩn thận với chiếc điện thoại, headphone, ipad, máy mp3, ti-vi, máy vi tính. Chúng sẽ lấy đi của bạn khá nhiều thời gian cũng như cắt ngang dòng suy nghĩ của bạn.Hãy dùng chúng trong giờ giải lao với một thời lượng có hạn thôi các bạn nhé.

9. Giấc ngủ là yếu tố sống còn

Khoảng 1/3 cuộc đời của chúng ta là dành cho việc ngủ và giấc ngủ là yếu tốt quan trọng hơn bao giờ hết trong suốt thời gian ôn tập. Giấc ngủ giữ vai trò chủ đạo trong việc củng cố bộ nhớ- nhất là khi não bộ sao lưu các thông tin ngắn hạn và tạo lập bộ nhớ lâu dài. Qúa trình này xảy ra trong suốt thời gian ngủ sâu, khi các tế bào thần kinh trong vùng ghi nhớ thông qua mô hình vận động chuyển tới một bộ phận khác của não bộ gọi là tân vỏ não, phần mà chịu trách nhiệm về ngôn ngữ và thực hiện các mệnh lệnh vận động.

10. Vận dụng các phương pháp ghi nhớ ngắn hạn

Các bạn có thể dùng sơ đồ cây, sơ đồ tư duy để hệ thống lại kiến thức trong một thời gian cực ngắn. Thời gian nước rút không cho phép chúng ta ôm một đống giáo trình dày cộm để nghiên cứu, hãy biết cách đọc mục lục giáo trình và hệ thống kiến thức thành những sơ đồ. Các bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ từ phương pháp này mang lại.

Với những kinh nghiệm nhỏ trên đây hy vọng bạn sẽ có được một kì thi thật thành công!