Có thể cho rằng, kỹ năng tự chủ là một trong số những kỹ năng quan trọng nhất cần giáo dục cho học sinh THPT. Đây là kỹ năng tiền đề quan trọng để học sinh có thể chiếm lĩnh những thứ cần thiết khác trong quá trình được học tập, giáo dục để phát triển toàn diện nhất.
Tại sao phải dạy học sinh THPT kỹ năng làm chủ bản thân?
Người ta vẫn cho rằng, lứa tuổi THPT là tuổi ẩm ương khi mà chấp chới giữ trẻ con và người lớn. Ở tuổi này, các em có sự thay đổi lớn về nhận thức, tâm sinh lý và nhiều vấn đề khác rất cần được nhà trường và gia đình lưu tâm. Vậy nên không gì cần thiết bằng việc giáo dục cho học sinh ở lứa tuổi này khả năng tự làm chủ bản thân, làm chủ cảm xúc, nhận thức và hành vi của mình.
Có câu nói rằng: Kỷ luật là tự do. Nhiều người sẽ không đồng tình với nhận định trên bởi theo họ, kỷ luật là một từ đáng ghét và đồng nghĩa với mất tự do. Tuy nhiên, trên thực tế, Stephen R.Covey đã viết: vô kỷ luật là nô lệ của các cảm xúc, ham muốn và niềm đam mê. Tự chủ liên quan đến việc bạn hành động theo lý trí thay vì hành động theo những gì bạn cảm thấy trong tình huống cụ thể. Tự chủ, tự kiềm chế liên quan đến việc hi sinh những niềm vui trước mắt cho những mục tiêu lâu dài của cuộc sống. Vì vậy, tự chủ là yếu tố căn bản thúc đẩy bạn hành động trong những tình huống cụ thể như:
- Tiếp tục làm việc, nỗ lực theo đuổi một ý tưởng hay dự án, nỗ lực không ngừng ý chí khi sự nhiệt tình ban đầu đã mất.
- Cố gắng đi tập thể dục trong khi bạn chỉ muốn tiếp tục nằm ỳ ở nhà và xem ti vi.
- Thức dậy thật sớm để học bài, giúp bố mẹ làm việc nhà.
- Nói “không” khi bị lôi kéo hút thuốc lá, thử cảm giác lạ tại quán bar, bị lôi kéo đi đua xe, bỏ nhà đi…
Tự chủ là bạn chọn hành động theo lý trí. Còn nếu không tự chủ nghĩa là bạn hành động theo cảm xúc cá nhân, nhất thời, mà quên đi những hậu quả lâu dài của nó. Vậy nên, đến đây thì bạn đã hiểu tự chủ quan trọng thế nào đối với lứa tuổi THPT , lứa tuổi ẩm ương, khó bảo nhất của tuổi trẻ.
Dạy kỹ năng tự chủ như thế nào?
Không dễ để học sinh có thể rèn luyện được kỹ năng tự chủ. Bởi ở tuổi này, các em chưa có suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, dễ bỏ cuộc khi chán nản, không kiên trì theo đổi đến cùng nếu như không có sự tác động tích cực nào đó. Vì vậy, muốn giáo dục kỹ năng tự chủ cho học sinh cần bắt đầu từ những yếu tố nhỏ nhất.
– Dạy các em kỹ năng tự nhận thức
Các em cần ý thức được những vấn đề cốt yếu như: Mình là ai, mình cần làm gì và hướng tới những giá trị gì. Khi đã nhận định được những điều đó, các em sẽ ý thức được mình cần phải làm gì là đúng đắn. Quá trình này đòi hỏi các em phải luôn tự xem xét, phân tích và đưa ra kết luận về chính bản thân mình. Có kỹ năng nhận thức, các em mới xác định được mục tiêu, tham vọng, ước mong của mình.
– Ý thức về hành động
Sự tự chủ biểu hiện ở việc các em ý thức rõ cái gì nên làm và không nên làm. Nếu học sinh ở tuổi này không có ý thức tự chủ, không nhận thức được giá trị của bản thân thì hành động của các em sẽ không được điều chỉnh phù hợp. Những hành động thể hiện sự tự chủ thể hiện từ những việc nhỏ nhất như: Tác phong, quần áo, đầu tóc phù hợp với môi trường học tập; thái độ lễ phép, tôn trọng, thầy cô, người lớn tuổi; sống hòa nhã với bạn bè…Ý thức được hành động, thì mọi hành động của học sinh sẽ được định hướng đúng đắn hơn. Điều này giúp các em có cơ hội đưa ra các quyết định tốt hơn đối với những giá trị bạn đang thực sự theo đuổi.
– Kiên định với mục tiêu của mình
Tự chủ là phải sống có mục đích, mục tiêu phấn đấu. Học sinh muốn tự chủ được bản thân thì nhất định phải có mục tiêu rõ ràng cho việc học tập của mình. Mục tiêu có thể đặt ra cho từng tháng, quý, kỳ học hay cả năm học. Một năm học nên có những mục tiêu trọng tâm. Khi có mục tiêu thì phải lên kế hoạch thực hiện. Khi đã lên kế hoạch cho riêng mình thì cần nỗ lực, kiên trì với mục tiêu mà mình đã đề ra, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành kế hoạch.
Như vậy có nghĩa là các em đã từng bước chiến thắng được bản thân mình. bởi trong quá trình thực hiện chắc chắn luôn có những khó khăn, trở ngại, những cám dỗ dình dập để dụ dỗ các em sa ngã đi chệch hướng. Nhưng sự kiên quyết theo đuổi mục tiêu, sẵn sàng hy sinh những sở thích cá nhân để hoàn thành kế hoạch đã giúp các em mạnh mẽ và rèn luyện được khả năng chịu đựng, tính kiên nhẫn.
– Làm chủ cảm xúc
Không mắc phải bất cứ sai lầm nào là điều hoàn toàn bất hợp lý và vô cùng khó khăn đối với không riêng gì học sinh THPT. Chắc chắn sẽ có lúc các em cảm thấy chán nản khi có một mục tiêu nào đó hoàn thành ở mức độ thấp hơn dự định: Bị điểm kém, đoạt giải thấp ở kỳ thi chọn học sinh giỏi, không săn được học bổng mình đã theo đuổi từ lâu… Nếu không tự chủ, làm chủ được cảm xúc thì chắc chắn các em sẽ dễ rơi vào tình trạng chán nản, buồn bực và buông xuôi.
Vì vậy, để có được sự tự chủ, kiểm soát và làm chủ cảm xúc của bản thân phụ thuộc rất nhiều vào lòng dũng cảm để đối mặt với những khó khăn. Nhưng khi bạn đã dũng cảm đối mặt, chiến thắng và tìm lại niềm hứng khởi mới thì bạn đã trưởng thành thêm một bước mới. Đây là cơ sở để phát triển sự tự tin ở mỗi học sinh, đồng thời sự tự chủ cũng phát triển một cách tự nhiên hơn.