“Phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh”
Thứ bẩy, ngày 09-11-2024, 09:25
 
Đây là yêu cầu và mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo sáng 9/11.

Có trò phải có thầy; có trò, có thầy phải có trường

Đặt ra 6 vấn đề cụ thể đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trước hết về vị trí của giáo dục và đào tạo. Theo Tổng Bí thư, vị trí của giáo dục và đào tạo rất có ý nghĩa về chiến lược công tác cán bộ, bởi trong công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là quan trọng và đã nói tới đào tạo là phải có thầy.

Quang cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo của tổ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ngày 9/11

“Đây là đột phá quốc gia và là trọng tâm. Trong đào tạo người thầy rất quan trọng, muốn giáo dục phát triển được đầu tiên phải có thầy, có trường. Với định hướng chung này của Đảng, tôi cho rằng phải quán triệt rất sâu sắc chiến lược, vị trí người thầy”, Tổng Bí thư nói, đồng thời đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đang ở tầm những gì trước đây chưa quy định thì quy định, cần phải vượt lên được về tầm, xác định được vai trò quan trọng của giáo dục, đào tạo; trong giáo dục và đào tạo người thầy là chủ thể chính.

Thứ hai, theo Tổng Bí thư, đã nói tới thầy thì phải có trò và Luật Nhà giáo phải giải quyết được mối quan hệ thật tốt giữa thầy và trò. “Nếu không có trò không có thầy. Trong Luật phải giải quyết được mối quan hệ rất quan trọng này”, Tổng Bí thư yêu cầu.

Nêu ví dụ cụ thể giải quyết chính sách phổ cập giáo dục, tức là các cháu đã đến tuổi là phải được đến trường và tiến đến là Nhà nước phải nuôi, bỏ học phí, Tổng Bí thư khẳng định, nên không thể nói thiếu thầy được, có trò là phải có thầy - quy định rõ như thế. “Mà điều này hiện nay rất thuận lợi, ở trong xã, trong phường, trong huyện, quận… sẽ có bao nhiêu cháu ở từng độ tuổi, dữ liệu dân cư biết ngay, vậy là có trò rồi, có trò thì phải chủ động có thầy. Bây giờ lại thiếu tới trăm nghìn thầy thì các cháu đi học thế nào. Rồi đã có trò, có thầy phải có trường; quy hoạch, quản lý thế nào mà nói không có trường được. Tất cả phải được giải quyết và đó là việc đang rất thời sự”, nêu rõ điều này, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu mối quan hệ, tương quan giữa thầy và trò phải được giải quyết trong dự thảo Luật Nhà giáo.

Tổng Bí thư nêu yêu cầu thứ ba về việc phải xác định người thầy là một nhà khoa học và dự thảo Luật Nhà giáo phải thể hiện được, khái quát được, trong đó bao gồm mối quan hệ giữa nhà khoa học, giữa trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp, với nhà nước. “Đòi hỏi của nhà khoa học với người thầy rất lớn, không thể đứng lại được, khoa học, tri thức có dừng lại đâu. Phải mang được những tâm thế đó, người thầy phải là nhà khoa học, phải có chuyên môn rất sâu”, Tổng Bí thư nói.  

Mong muốn Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón

Trong bối cảnh đất nước hội nhập, Tổng Bí thư nhắc đến vấn đề thứ tư mà dự thảo Luật Nhà giáo cần thể hiện được, đó là giáo dục hội nhập thế nào, người thầy hội nhập thế nào. “Vừa rồi chúng ta tuyên bố phổ cập tiếng Anh trong giáo dục, như vậy thầy phải tiếng Anh thế nào mới phổ cập được. Thầy có trình độ tiếng Anh thế nào? Có quy định thầy nước ngoài không, thầy nước ngoài có phải chấp hành theo Luật Nhà giáo của Việt Nam không? Chúng ta đã đề cập gì chưa? Muốn hội nhập được phải có con người, mà con người đào tạo được trước hết phải là người thầy. Nếu bây giờ không có thầy tiếng Anh làm sao có trò tiếng Anh được. Thầy dạy Toán, thầy dạy Văn cũng phải có tiếng Anh chứ không chỉ riêng thầy dạy Ngoại ngữ. Phải tiếp cận, phải hội nhập. Các chính sách đó phải được thể hiện ở đây, phải có những đòi hỏi, những yêu cầu cụ thể”, Tổng Bí thư nêu yêu cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo

Vấn đề thứ năm được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là chính sách về học tập suốt đời được thể hiện trong Luật Nhà giáo. Cụ thể, với độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên, Tổng Bí thư cho rằng, thầy nghỉ hưu không được giảng dạy nữa thì rất khó khăn, trong khi chính sách mở rộng học tập suốt đời, huy động các lực lượng xã hội vào công tác giáo dục, công tác giảng dạy; “trò rất già thì cũng phải có thầy rất già”, những thầy lớn tuổi lại có uy tín.

Ở khía cạnh này, Tổng Bí thư cũng nhắc đến những người thầy giảng dạy trong môi trường đặc biệt như các thầy dạy học tại các trường trại giam cần có yếu tố đặc biệt, vừa giảng dạy vừa tình cảm, vừa thu hút, vừa lôi kéo. Hoặc thầy cô giáo ở miền núi cũng phải được coi là môi trường đặc biệt, thầy không những dỗ dành đến trường, mà còn phải nuôi các cháu đi học, phải động viên, phải hy sinh… và đặt yêu cầu, cần chính sách gì cho những môi trường đặc biệt đó.

“Tôi đi miền núi thấy rất khó khăn, các cháu đi học 20-30 cây số làm sao đi hàng ngày được, trường nội trú không có. Trò không có nơi học tập, sinh hoạt, thầy càng không, thế làm sao được. Mỗi trường như thế phải có nhà công vụ cho giáo viên. Chính sách cần đi vào rất cụ thể, phải bao quát đến những việc như vậy. Những vùng khó khăn về kinh tế - xã hội lại là vùng trũng về giáo dục và đào tạo, khó khăn về phát triển nguồn nhân lực. Càng khó khăn càng trũng mãi. Cần phải có chính sách khuyến khích”, Tổng Bí thư chia sẻ.

Với mong muốn Luật Nhà giáo ra đời sẽ được các thầy cô chào đón, Tổng Bí thư nhấn mạnh yêu cầu phải làm sao để người thầy đón nhận Luật Nhà giáo thực sự phấn khởi, thực sự là tôn vinh, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho người thầy. Chứ không để Luật ra thầy lại thấy khó khăn hơn. Thầy làm tốt rồi sẽ lôi kéo được trò, người thầy là đầu tàu cho giáo dục.

Thảo luận về dự thảo Luật Nhà giáo vào thời điểm hướng tới Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: “Đây là dịp tôn vinh nghề nghiệp những người thầy. Nhân đây tôi chúc mừng các thầy cô giáo, chúc mừng sự nghiệp giáo dục của chúng ta”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo