Một trong những căn bệnh nguy hiểm, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đó chính là đột quỵ. Đa số thường bắt gặp căn bệnh này ở tuổi sau trung niên, tuy nhiên ở trẻ em cũng có thể gặp tình trạng này.
Dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em
Đau đầu là một trong những dấu hiệu đột quỵ thường gặp ở trẻ em
Cũng giống như ở người lớn, khi đột quỵ trẻ em cũng có thể có những dấu hiệu sau đây, các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
-
Một bên chi bị yếu hoặc liệt, giảm hoặc có thể mất khả năng phối hợp giữa các chi.
-
Gặp khó khăn trong việc hiểu, nghe, nói, viết cũng các hoạt động cần sự tập trung cao.
-
Thị lực của trẻ bị suy giảm, trẻ nhìn mọi thứ đều mờ, thậm chí là một bên mắt bị mất khả năng nhìn.
-
Mất ý thức, có thể xuất hiện những cơn co giật trong thời gian ngắn.
-
Chóng mặt, hoa mắt, khó giữ thăng bằng đồng thời không điều khiển được sự vận động của cơ thể theo ý muốn.
-
Chảy nước dãi, nuốt khó.
-
Đau đầu dữ dội, có thể nôn ói nhiều lần, người mệt mỏi.
Thực tế cho thấy, khi được hỏi đến những dấu hiệu này, nhiều cha mẹ không nghĩ là con mình bị đột quỵ mà họ chỉ nghĩ đơn giản rằng trẻ bị trúng gió, cảm cúm hoặc lầm tưởng về các bệnh động kinh hay tiêu hóa,…
Dấu hiệu đột quỵ của trẻ em sắp xảy ra là trẻ tự nhiên than đau đầu dữ dội hay quấy khóc liên tục kèm theo có nôn ói. Sau khi nôn thì trẻ giảm đau đầu, co giật mất ý thức, khi ăn miệng méo lệch sang một bên, hay có những tiếng kêu lạ trong đầu, khi gắng sức người dễ bị tím tái.
Một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở trẻ em là dị dạng mạch máu não
Để nhận diện nhanh những trường hợp có thể bị đột quỵ thì trước hết cần chú ý đến khuôn mặt. Hãy yêu cầu trẻ cười để đánh giá xem một bên mặt có xệ xuống không. Ngoài ra, giơ cùng lúc hai tay xem một bên có bị rũ xuống hay không. Bên cạnh đó, nếu trẻ nói lắp, nói khó hiểu thì đó cũng có thể là dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em.
Cách xử lý khi nghi ngờ trẻ có dấu hiệu đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng một vùng nào đó của não bị tổn thương gây ra sự gián đoạn lưu lượng máu đến não. Điều này có thể xảy ra với bất kỳ ai kể cả người lớn và trẻ em. Nó do rất nhiều nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ dẫn đến, chủ yếu là do sự bất thường của mạch máu não, các bệnh lý bẩm sinh, bệnh lý tăng đông máu, tác dụng phụ của thuốc,…
Vì vậy, nó thực sự rất nguy hiểm và cha mẹ không thể nào tự xử lý ở nhà được. Thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tinh mạng của trẻ nếu như không được đưa đến bệnh viện kịp thời.
Do đó, nếu cha mẹ phát hiện con mình có những dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Bởi lẽ, thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ là rất quan trọng, nó có thể quyết định đến tình trạng sức khỏe của trẻ. Nếu đến sớm sẽ kịp thời can thiệp, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho trẻ.
Cách phòng tránh đột quỵ ở trẻ em
Khác với những nguyên nhân thường gây đột quỵ ở người lớn (chủ yếu xuất phát từ việc thiếu lành mạnh ở chế độ ăn uống sinh hoạt gây ra các bệnh lý nền) thì đột quỵ ở trẻ em thừa khó có thể phòng ngừa hơn vì các rủi ro không thế kiểm soát.
Các khuyến cáo chung trong việc phòng ngừa đột quỵ ở trẻ em đều là phát hiện sớm các bệnh lý liên quan như tim bẩm sinh, dị dạng mạch máu,… để trước khi các bệnh lý này gây ra tình trạng đột quỵ đã có hướng can thiệp sớm.
Ngoài ra, ngay khi nhận thấy các dấu hiệu đột quỵ ở trẻ em như chóng mặt, nôn, buồn nôn, đau đầu, co giật, lơ mơ… cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ thần kinh để được thăm khám và chẩn đoán sớm tình trạng sức khỏe của trẻ.
Khi chưa có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc bên ngoài cho trẻ sử dụng. Việc tự ý sử dụng thuốc cho trẻ không những không khiến bệnh thuyên giảm mà còn có thể khiến trẻ gặp phải các tác dụng không mong muốn, thậm chí là có thể đe dọa tính mạng của con.
Để tầm soát phòng tránh đột quỵ ở trẻ em, ta có thể nhờ vào các cận lâm sàng như chụp cộng hưởng từ mạch máu não và chụp cắt lớp vi tính mạch máu não có tiêm thuốc cản quang. Đây là hai phương pháp thường được áp dụng nhiều nhất nhằm khảo sát mạch máu não.
Trong trường hợp phát hiện sớm các bất thường ở mạch máu não cụ thể là mạch máu não bị dị dạng, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc điều trị nút mạch chủ động trước khi mạch dị dạng bị vỡ ra.
Điều này có ý nghĩa rất lớn, giúp mang lại hiệu điều trị rất tốt tới các bệnh lý liên quan, từ đó sẽ làm giảm tỷ lệ đột quỵ ở trẻ em. Đặc biệt, nó giúp chủ động hoàn toàn trong việc điều trị và an toàn hơn gấp 10 lần so với can thiệp lúc vỡ ra.
Đột quỵ là một bệnh nguy hiểm cho cả trẻ em và người lớn. Do đó, việc nắm được những thông tin cơ bản về căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết ở mỗi người, đặc biệt là các bậc phụ huynh.