Trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp Quốc hội thứ 8; Bộ GD&ĐT kiểm tra đầu năm học
Thứ hai, ngày 14-10-2024, 08:12
 
Đồng ý trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8, Bộ GD&ĐT kiểm tra đầu năm học là hai trong số các thông tin giáo dục nổi bật tuần qua.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 38 cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 38 cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình dự thảo Luật Nhà giáo tại Kỳ họp thứ 8

Sáng 8/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Phiên họp thứ 38 cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Hải, Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Thị Thanh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng; lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính.

nong-trong-tuan-1-5891.jpg

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trình bày vắn tắt một số điểm điều chỉnh tiếp thu sau Phiên họp thứ 37 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá, Ban soạn thảo đã hết sức tích cực, khẩn trương, hầu hết các ý kiến góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 đã được Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có thêm một số định hướng, đề nghị để Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện trước khi đưa ra Kỳ họp thứ 8 thảo luận lầu đầu.

Trao đổi tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại Phiên họp thứ 38, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhận định: Mặc dù trong thời gian rất gấp nhưng Chính phủ, Ban soạn thảo Luật Nhà giáo đã rất nỗ lực, cầu thị, nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình cơ bản các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các cơ quan của Quốc hội.

Hồ sơ dự thảo luật sau khi chỉnh lý, tiếp thu đã có sự điều chỉnh ngắn gọn và thay đổi căn bản, giảm 26 điều từ 71 điều xuống 45 điều. Nội dung dự thảo luật sau chỉnh lý tập trung quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, có sự cân nhắc, điều chỉnh theo hướng chỉ quy định trong dự thảo luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã ổn định, giải quyết được những vấn đề bất cập trong thực tiễn và tạo ra bước đột phá cho hoạt động của ngành giáo dục đào tạo, trong đó có nhà giáo.

Những nội dung đã được quy định trong luật khác thì không quy định, nhắc lại trong luật này, nội dung chồng chéo, khác biệt so với các quy định của các luật khác cũng đã được rà soát, điều chỉnh, quy định cho phù hợp cũng như đã bổ sung, đánh giá tác động đối với những quy định mới để bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

nong-trong-tuan-2-3898.jpg

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi tại phiên họp.

“Tại Phiên họp hôm nay, Thường vụ Quốc hội thống nhất cho rằng, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, rất cần thiết ban hành Luật Nhà giáo nhằm tạo khung khổ pháp lý thuận lợi và thống nhất cho xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo cũng như bảo vệ, tôn vinh nghề giáo. Hồ sơ dự án luật, đặc biệt là dự thảo luật sau khi điều chỉnh, tiếp thu đã đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 tới đây”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho hay.

Trân trọng cảm ơn sự ủng hộ và góp ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới. Bộ trưởng đồng thời cũng chia sẻ sự mong đợi, kỳ vọng của hơn 1,6 triệu giáo viên cả nước về một dự luật dành riêng cho nhà giáo.

Bộ GD&ĐT kiểm tra đầu năm học

nong-trong-tuan-3-6640.jpg

Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu tại buổi làm việc với ngành Giáo dục Hà Tĩnh.

Trong 2 ngày (10, 11/10), Đoàn kiểm tra của GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi làm Trưởng đoàn đã kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025.

Tại đây, đoàn đã kiểm tra thực tế tại một số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. THCS, THPT, giáo dục thưởng xuyên trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh, làm việc với các Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh.

Chia sẻ “ngành Giáo dục làm nhiệm vụ chuyên môn, nếu không có người, không có tiền không thể làm được”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đề nghị và mong muốn, tỉnh Hà Tĩnh quan tâm đảm bảo chi ngân sách 20% cho giáo dục và đảm bảo điều tiết phân phối ngay từ đầu năm học để các nhà trường chủ động.

Thứ trưởng cũng đề nghị ngành Giáo dục và ngành Nội vụ tỉnh Hà Tĩnh có sự rà soát, tính toán để thống nhất về số lượng giáo viên, tránh thiệt thòi cho ngành; đồng thời tránh cứng nhắc trong giảm biên chế 10% đối với ngành Giáo dục.

Mặc dù có những khó khăn trong triển khai, song Thứ trưởng lưu ý tỉnh Hà Tĩnh cần khẩn trương hơn trong công tác mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học và phát hành tài liệu giáo dục địa phương theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

nong-trong-tuan4jpg-8725.jpg

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc.

Chiều 10/10, Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Phạm Ngọcc Thưởng làm Trưởng đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 tại TP. Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả đạt được của Thành phố, thể hiện đầu tiên qua hệ thống văn bản đầy đủ, kịp thời vào khoảng thời gian đầu năm học. Ngoài ra, địa phương cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bổ sung trường, lớp học và bố trí đội ngũ giáo viên, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đến trường của con em nhân dân thành phố.

Địa phương cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định mang tính tiên phong, có ý nghĩa thực tiễn, thể hiện sự quan tâm của Sở GD&ĐT TP.Hồ Chí Minh; đồng thời chủ động làm công tác truyền thông thể hiện tính nhân văn, kịp thời.

Đặc biệt, TPHCM đã chủ động, sáng tạo, đi đầu, năng động trong nhiều hoạt động như dạy học ngoại ngữ, xây dựng thành phố học tập với nhiều mô hình, cách làm hay có thể nhân rộng toàn quốc.

Trước đó, ngày 30/9/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2687/QĐ-BGD&ĐT về việc kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025.

Theo Quyết định này cùng với Quyết định số 2757/QĐ-BGD&ĐT ngày 4/10/2024 về việc điều chỉnh đối tượng kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025, Bộ GD&ĐT thành lập 2 đoàn kiểm tra tại 4 Sở GD&ĐT: Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Hà Tĩnh, Sơn La.

Nội dung kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 2024-2025 đối với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học, giáo dục trung học, giáo dục thường xuyên, giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên.

Tổng kết công tác pháp chế ngành Giáo dục năm học 2023-2024

phap-che-2-6947-2065-2185.jpg

Chủ trì Hội nghị (từ trái sang phải): Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh.

Chiều 8/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác pháp chế ngành Giáo dục năm học 2023-2024.

Dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT; đại diện các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng sư phạm.

Nhận định năm học 2023-2024, công tác pháp chế đạt nhiều kết quả, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Chúng ta đã hoàn thành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật… góp phần tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các chính sách, chương trình của Bộ. Những nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, các ý kiến tập trung thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được; phân tích nguyên nhân hạn chế, bất cập; hiến kế để thiết kế được khung pháp lý, cơ chế chính sách bảo đảm đồng bộ, thúc đẩy sự phát triển của ngành; phát hiện vấn đề mới phát sinh để đề ra giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Trên cơ sở đó, cùng đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học 2024 - 2025, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác pháp chế của ngành Giáo dục.

phap-che-5-2797-8675-2922.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn kết luận hội nghị.

Nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của công tác pháp chế, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: xây dựng thể chế, công tác pháp luật được xem là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ. Thủ tướng cũng chỉ đạo ráo riết các Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với ngành Giáo dục, Bộ trưởng nhắc đến 4 trụ cột quan trọng trong quá trình đổi mới, đó là: con người - lực lượng nhà giáo; thể chế; hạ tầng, cơ sở vật chất và chuyển đổi số. Trong đó, con người, cơ sở vật chất, chuyển đổi số đều xoay quanh vấn đề thể chế. Nếu thể chế không thông thoáng, không mở đường, không chặt chẽ đủ để quản lý thì cũng không phát triển được 3 vấn đề còn lại; thể chế yếu kém sẽ không giải phóng được nguồn lực và các yếu tố khác.

Bộ trưởng đồng thời lưu ý một số vấn đề nhằm thực hiện tốt hơn công tác pháp chế trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh một số cái “không”, đó là:

Không được phép coi nhẹ mảng công tác này; phát huy cao độ tham mưu của bộ phận pháp chế để không làm gì trái luật và trái với các quy định; không để chậm trễ trong ban hành, thay thế, hoàn thiện, bổ sung hệ thống các văn bản quy định nội bộ khi các chính sách đã thay đổi, điều chỉnh; không làm qua loa, làm ứng phó; không nên “thi thoảng giật mình” mà cần thường xuyên rà soát; không bao giờ được đổ lỗi cho việc không biết, không hiểu; không bỏ sót cái cần ban hành; không góp ý các văn bản quy phạm pháp luật một cách qua loa, tắc trách.

Bảo đảm chất lượng bữa ăn cho sinh viên học Giáo dục quốc phòng - an ninh

690af9301231ab6ff220-1322-3278-6796.jpg

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội trả lời báo chí.

Sự việc về bữa ăn không bảo đảm của sinh viên đang học Giáo dục quốc phòng - an ninh tại ĐH Bách khoa Hà Nội là thông tin thu hút được sự quan tâm của dư luận trong tuần qua.

Theo phản ánh của một số phương tiện thông tin đại chúng, các tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội phải ăn cơm canh không bảo đảm trong thời gian học Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin từ báo chí, ban lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội đã tiến hành kiểm tra toàn diện công tác tổ chức ăn, nghỉ tập trung của sinh viên tại khoa Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Sau kiểm tra, Ban lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội chỉ đạo dừng ngay hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn hiện tại cho tân sinh viên đang học Giáo dục quốc phòng - an ninh.

Ngay trong ngày 7/10, nhà trường đã tổ chức gặp gỡ các sinh viên đang học giáo dục quốc phòng và an ninh để nghe ý kiến góp ý, tâm tư, nguyện vọng của các em. Giao các đơn vị liên quan chỉ đạo kiểm tra, giám sát số lượng và chất lượng thực phẩm sử dụng theo tiêu chuẩn quy định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Khoảng 500 sinh viên đang học Giáo dục quốc phòng - an ninh tại ĐH Bách Khoa Hà Nội đã được chuyển sang nhà ăn dành cho cán bộ, giảng viên của trường trong thời gian chờ nhà trường thẩm định đơn vị cung cấp suất ăn mới.

Ngay buổi sáng ngày 8/10, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Bộ GD&ĐT đại diện cho cơ quan Bộ GD&ĐT đến nắm tình hình, đồng thời cùng cơ quan y tế địa phương và lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội đã trực tiếp đến kiểm tra các bếp ăn của trường này.

a881edd96bd9d2878bc8-6309-5004-707.jpg

Nhà ăn A15 tạm dừng hoạt động.

Về sự việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7385/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, giao Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan và địa phương có liên quan khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định; đồng thời, tăng cường chỉ đạo, quản lý, kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, bảo đảm chất lượng, an toàn, không để tái diễn trường hợp tương tự.

Bộ GD&ĐT đã ban hành cùng lúc 2 văn bản; một gửi ĐH Bách khoa Hà Nội; một gửi các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ sư phạm và các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

Trong văn bản gửi ĐH Bách khoa Hà Nội, Bộ GD&ĐT đề nghị tăng cường chỉ đạo, quản lý việc tổ chức thực hiện môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh theo các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan.

Đồng thời, chỉ đạo, xác minh, làm rõ nội dung phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí về chất lượng bữa ăn không bảo đảm của sinh viên trong thời gian học tập tập trung môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh; xử lý nghiêm đối với tập thể và cá nhân có liên quan (nếu có vi phạm) theo quy định của pháp luật.

Tổ chức bếp ăn tập trung cho sinh viên học tập môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh chặt chẽ, đúng quy định; bảo đảm đúng, đủ định xuất bữa ăn; tài chính công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trong văn bản gửi các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ sư phạm và các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ GD&ĐT đề nghị quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức dạy học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh; các văn bản, tài liệu hướng dẫn hiện hành của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về bảo đảm chất lượng bữa ăn và vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, nhân viên, người lao động về việc tổ chức ăn tập trung và bảo đảm định lượng, chất lượng bữa ăn.

Tổ chức bếp ăn tập trung cho sinh viên học tập môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh chặt chẽ, đúng quy định; bảo đảm đúng, đủ định sất bữa ăn; tài chính công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ sở giáo dục đại học trong việc bảo đảm đủ định lượng, chất lượng bữa ăn và vệ sinh, an toàn thực phẩm; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Theo Giáo dục và Thời đại