Chắc chắn rằng với rất nhiều kinh nghiệm giáo dục nên Juliet Lythcott-Haims, cựu hiệu trưởng Đại học Stanford (Mỹ) mới chia sẻ 11 kỹ năng này. Với mỗi cấp học lại đòi hỏi học sinh phải có những kỹ năng mới theo đúng sự phát triển về tâm sinh lý lứa tuổi. Xin chia sẻ với các bạn.
Chăm chút vào bao bọc con quá kĩ khiến con hình thành tư tưởng phụ thuộc vào cha mẹ.
Là cha mẹ, ai cũng yêu thương con cái, luôn muốn chở che, giúp đỡ và tôi luyện con thành những con người thành công, hạnh phúc. Tuy nhiên, việc chăm chút con quá kỹ cũng có những tác động tiêu cực, khiến cho con trẻ không đủ tự tin để bước ra cuộc sống độc lập khi trưởng thành.
Juliet Lythcott-Haims, cựu hiệu trưởng của trường Đại học Stanford
Juliet Lythcott-Haims, cựu hiệu trưởng của trường Đại học Stanford và là tác giả của cuốn "Làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ trưởng thành" cho biết: "Là cha mẹ, chúng ta đang làm quá nhiều. Đương nhiên cha mẹ có những định hướng rất tốt, nhưng khi can thiệp quá nhiều, chúng ta đã vô tình tước đoạt đi của bọn trẻ cơ hội được học hỏi những điều hết sức quan trọng – những điều con vốn cần phải học để chuẩn bị khi ra bước ra thế giới bên ngoài".
Bạn đã sẵn sàng để thoát khỏi hình ảnh những ông bố bà mẹ luôn kè kè bên con, giúp con sẵn sàng một mình đương đầu với cuộc sống như một người trưởng thành chưa?
Lythcott-Haims đã chia sẻ với các bậc phụ huynh 11 kỹ năng sống căn bản mà mọi trẻ cần phải biết trước khi bước vào trung học như sau:
1. Làm một bữa ăn
Lythcott-Haims nói rằng: "Trước khi bọn trẻ vào trung học, con thật sự nên biết làm tất cả mọi thứ liên quan đến việc chăm sóc cho bản thân mình".
Trong khi chuẩn bị các bữa ăn, cha mẹ nên dạy cho con để chúng có thể tự lo liệu khi cần thiết, giả sử khi bố mẹ bị ốm hay bận việc khác không thể chuẩn bị bữa ăn cho con được nữa.
2. Thức dậy đúng giờ mà không cần ai nhắc nhở
Lythcott-Haims cho biết: "Trước khi trẻ bước vào trung học, chúng ta cần tự tin rằng trẻ có thể tự thức dậy đúng giờ, vệ sinh cá nhân, thay quần áo sạch sẽ. Tôi phải nhấn mạnh đến kỹ năng này bởi quá nhiều bậc cha mẹ đang buông thả để trẻ ỷ lại.
Bọn trẻ đặt chuông báo thức nhưng rồi sau đó chuyện gì xảy ra? Chúng vẫn trễ giờ ăn sáng, đến trường và rồi bố mẹ lại phải đưa con đi học.
Tất cả những điều đó khiến con ung dung nghĩ rằng bố mẹ sẽ luôn ở đó để đánh thức mình dậy, nếu mình có muộn giờ thì bố mẹ sẽ lái xe đưa mình đi học”.
3. Tự giặt quần áo
Khi dạy cho trẻ làm những việc nhà cơ bản như giặt quần áo, chúng ta cần tránh việc tỏ ra giận dữ hay thiếu kiên nhẫn và khiến chúng cảm thấy tồi tệ khi biết làm những công việc này. Hãy hướng dẫn tỉ mỉ, sau đó quan sát trẻ thực hiện một lần để chắc chắn con đã nắm bắt được cách làm. Sau đó, bạn có thể để trẻ tự xoay sở.
4. Hợp tác và giúp đỡ
Trẻ cần học cách đóng góp cho tập thể. Một ví dụ rất đơn giản như khi một trong anh chị em trong nhà đang mệt mỏi hay buồn phiền vì chuyện gì đó, những trẻ còn lại có thể nhận làm giúp việc nhà cho người này, vì họ nhận thấy anh chị em của mình đang gặp khó khăn và cần giúp đỡ. Điều này sẽ xây dựng nên một ý thức “làm việc không chỉ vì mình mà còn vì người khác nữa” cho trẻ.
5. Tự biện hộ cho chính mình
Chúng ta không còn xa lạ với việc các bậc phụ huynh gọi điện cho giáo viên để than phiền, thắc mắc về điểm số của con cái mình. Tuy nhiên điều này lại không hề đúng.
Lythcott Haim cho rằng: "Nếu như bạn cứ thường xuyên liên lạc với giáo viên của con, bạn vô tình đang nói với con rằng con không có năng lực, mẹ phải làm việc đó thay con. Và điều này sẽ khiến trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Thay vào đó, hãy dạy cho trẻ cách nói chuyện với những người có thẩm quyền và tự biện hộ đòi quyền lợi cho mình. Hãy nói: “Mẹ biết là con đang bực bội về điểm số của bài kiểm tra đó hoặc đang băn khoăn về những chuyện đã diễn ra trong trận bóng đá... nhưng con cần tự mình đến nói chuyện với thầy cô giáo con và đưa ra lý lẽ để đòi quyền lợi cho mình”.
Nếu lúc này, nhìn con có vẻ hoang mang, hãy nói: “Con làm được mà, bố/mẹ biết là con làm được. Con có muốn luyện tập trước với bố/mẹ không?”.
6. Tự chuẩn bị đồ dùng khi đi học
Các bậc cha mẹ thường xuyên giúp con soạn sách, chuẩn bị tất cả các vật dụng cần mang trong cặp với ý nghĩ không muốn con mình thiếu sách vở khi đến trường. Sau này, khi đi làm, con trẻ đã trưởng thành vẫn không có thói quen chịu trách nhiệm ghi nhớ những vật dụng cần thiết cho mình, thực hiện việc rà soát lại mỗi buổi sáng.
7. Gọi món tại nhà hàng
Nếu trẻ chưa bao giờ gọi món tại nhà hàng, hãy nói với trẻ: “Đã đến lúc con bắt đầu tự gọi món cho mình đi nhé. Mẹ thấy là mẹ không nên tự quyết định con sẽ ăn gì nữa hoặc mẹ không nên tự cho là lần nào con cũng ăn một món y hệt như vậy”.
8. Nói chuyện với người lạ
Trong cuộc sống ta luôn luôn gặp những người lạ và lời dạy kinh điển của bố mẹ dành cho con cái “Tuyệt đối không nói chuyện với người lạ” đã đến lúc cần phải thay đổi.
Cách làm đúng chính là dạy cho trẻ cách phân biệt được những người lạ mặt nguy hiểm cần phải tránh xa giữa rất nhiều những người lạ mặt bình thường và vô hại.
9. Đi mua thực phẩm
Các con của bạn đã bao giờ nhận ra rằng lối đi trong các cửa hàng thực phẩm được ghi chú bằng những tấm biển treo trên trần nhà. Con nên biết làm cách nào để tự mình định hướng trong siêu thị và lấy những đồ mình cần.
10. Lên kế hoạch cho một cuộc vui chơi
Bất cứ khi nào nhóm bạn cùng tuổi với con đủ lớn, hãy để chúng được tự lên kế hoạch cho một cuộc chơi.
Khi bạn hỏi con về kế hoạch đi chơi của chúng để có thể nắm được thông tin, tránh khiến cho việc bạn lo lắng làm con chùn bước và e sợ. Hãy khuyến khích con bước ra thế giới ngoài kia, đi xem phim, đi đến trung tâm thương mại, hay đơn giản là xuống phố mua quà vặt… Đây chính là những nỗ lực đầu tiên sải cánh vươn ra thế giới của trẻ”.
11. Sử dụng phương tiện giao thông công cộng
Kỹ năng sử dụng phương tiện giao thông công cộng nên được rèn luyện từ nhỏ bởi con của bạn sẽ không bao giờ cả đời chỉ sống ở một nơi và bên cạnh một người. Bé cần phải biết về thế giới xung quanh và tự tìm đường đến cho mình.
Theo Mỹ Anh (Dịch theo Parenting) (Khám phá)