Đừng để con trẻ “thối não”
Thứ tư, ngày 11-12-2024, 06:48
 
Vừa đi học về, con cầm ngay chiếc điện thoại và mở Facebook, YouTube, lướt TikTok... Câu chuyện này không còn xa lạ với nhiều gia đình. Thậm chí, không chỉ trẻ em mà nhiều người trưởng thành cũng say mê với những nền tảng mạng xã hội. Hầu như ai cũng biết mạng xã hội được thiết kế để có thể gây nghiện cho người dùng, nhất là giới trẻ, nó gây ra các tác động tiêu cực cho sức khỏe tâm thần như: Trầm cảm, mất ngủ, lo âu, sao nhãng học tập...

Tình trạng này phổ biến đến mức, mới đây, từ “brain rot” (thối não) phản ánh mối lo ngại về việc lướt mạng xã hội quá mức tác động đến tinh thần đã trở thành từ khóa nổi bật nhất trong năm 2024 theo thống kê của Từ điển Oxford (Vương quốc Anh). Ở Việt Nam, một khảo sát của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2022 cho thấy, 82% trẻ em Việt Nam từ 12 đến 13 tuổi sử dụng internet hằng ngày, con số này ở lứa tuổi từ 14 đến 15 là 93%.

Đừng để con trẻ “thối não”
Ảnh minh họa: internet 

Chúng ta nói nhiều về những tác hại của mạng xã hội, internet gây ra cho giới trẻ, cũng như cách giải quyết chúng, nhưng dường như chưa có phương thức thực sự hữu hiệu. Tuy nhiên, trẻ em như một tờ giấy trắng để người lớn vẽ nên ước mơ hay viết, vẽ nguệch ngoạc, thậm chí bậy bạ để trở thành "thối não".

Vì thế đừng đổ lỗi cho internet hay mạng xã hội. Chúng ta cũng không thể cấm trẻ em sử dụng internet, mạng xã hội vì đây chỉ là những công cụ phục vụ cuộc sống và luôn có tính hai mặt. Trẻ cần được trang bị kỹ năng tự bảo vệ bản thân và duy trì sự kiểm soát khi dùng mạng xã hội. Việc cho trẻ tự do dùng internet trước khi đủ tuổi nhận thức được sự nguy hiểm tiềm ẩn có lẽ cũng là một trong những thất bại trong giáo dục của bố mẹ. Nhưng quan trọng hơn cả là tính nêu gương. Nếu cha mẹ biết cách tự kiểm soát mình và kiên trì theo sát quá trình trưởng thành của con thì có lẽ sẽ giúp con tránh được những ảnh hưởng tiêu cực của internet, mạng xã hội gây ra, không sa vào tình trạng "thối não".