Cả nước có hơn 60 nghìn cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, phần lớn đều trưởng thành từ giáo viên, chưa đào tạo bài bản về quản lý, quản trị.
|
Một lớp học trong khóa Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị trường học, chuyển đổi số trong quản trị trường học do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức. |
Nhu cầu cấp thiết
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho hay, cả nước có hơn 60 nghìn cán bộ quản lý giáo dục phổ thông, phần lớn đều trưởng thành từ giáo viên, chưa được đào tạo bài bản về quản lý, quản trị nhà trường, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của bản thân hoặc tự học hỏi, tìm hiểu.
Trong khi đó, yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông ngày càng cao, chuyển từ quản lý hành chính sang quản trị nhà trường theo hướng tự chủ và trách nhiệm giải trình.
“Vì vậy, vấn đề phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị nhà trường cho đội ngũ này là cần thiết, đảm bảo cho thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thành công” – ông Vũ Minh Đức nhấn mạnh.
Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn để hoàn thiện khung năng lực của cán bộ quản lý giáo dục;
Đồng thời, ban hành chính sách đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ sở đào tạo để hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng này.
Nhấn mạnh, phát triển chương trình và tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ông Vũ Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) trao đổi, việc này cần gắn với xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, kế hoạch giáo dục của tổ bộ môn, kế hoạch giáo dục của giáo viên, tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, giáo dục STEM trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Trên cơ sở đó, các trường đại học sư phạm, các cơ sở bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, sở/phòng giáo dục và đào tạo, cũng như các nhà trường phổ thông thực hiện, góp phần để nâng cao hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học.
Từ năm 2018 đến 2022, Học viện Quản lý giáo dục tham gia phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; PGS.TS Phạm Văn Thuần - Giám đốc Học viện cho hay, Học viện đã chủ trì tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán cho 63 tỉnh/thành phố trong cả nước.
“Kết quả bồi dưỡng được lãnh đạo Bộ GD&ĐT ghi nhận và đánh giá cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục của Học viện Quản lý giáo dục” - PGS.TS Phạm Văn Thuần chia sẻ.
Song hành với nhiệm vụ đào tạo đại học, sau đại học, Học viện triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý cho các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học trong cả nước với lưu lượng gần 30.000 lượt người tham gia bồi dưỡng/1 năm.
PGS.TS Phạm Văn Thuần, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan, PGS.TS Phạm Văn Thuần cho hay, Học viện Quản lý Giáo dục phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) đồng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia với chủ đề “Phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay”.
Tại hội thảo, các chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận thực trạng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục đại học với các địa phương trong công tác phát triển chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
Trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp phát triển chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong thời gian tới và phù hợp với yêu cầu của bối cảnh mới.
Một lớp học trong khóa Bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị trường học, chuyển đổi số trong quản trị trường học do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức.
Số hóa đa dạng hóa hình thức tài liệu
Ông Vũ Minh Đức gợi mở, Học viện Quản lý Giáo dục khảo sát nhu cầu, xây dựng tài liệu bồi dưỡng, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng, phối hợp với địa phương thực hiện tốt các chương trình bồi dưỡng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Bên cạnh đó, địa phương cần đánh giá hiệu quả công tác bồi dưỡng, chất lượng cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục. Mặt khác, phối hợp với Học viện Quản lý Giáo dục và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng khác để thực hiện tốt công tác bồi dưỡng tăng cường năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục.
PGS.TS Trần Hữu Hoan - Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.
Ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho rằng, tài liệu bồi dưỡng cần dễ tiếp cận. Làm sao để cán bộ quản lý giáo dục có thể xem bộ tài liệu như gối đầu để xem như là nguồn tài liệu cần thiết, sử dụng trong quá trình làm việc.
Ông Nguyễn Hoàng Nam đề xuất, có thể số hóa đa dạng hóa hình thức tài liệu để giáo viên, cán bộ quản lý dễ dàng tiếp cận tài liệu ở bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào.