AI và vấn đề quyền tác giả
Thứ sáu, ngày 22-11-2024, 10:59
 
Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo ra bước đột phá mới đối với sự phát triển của kỹ thuật công nghệ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà làm luật, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Tác phẩm do AI sáng tạo sẽ được bảo hộ như thế nào? Liệu Việt Nam có cần bổ sung quy định về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm do AI tạo ra hay không?

AI không còn là thuật ngữ xa lạ đối với nhiều người trong bối cảnh khoa học-công nghệ phát triển như hiện nay. Cụm từ AI xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1956, trong một hội nghị tại Đại học Dartmouth (New Hampshire, Hoa Kỳ). Trong hơn 60 năm, công nghệ AI chủ yếu được sử dụng để mô phỏng cơ bản hành vi của con người, trợ giúp con người trong các hoạt động đòi hỏi tổng hợp dữ liệu lớn.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 12-2022, sự xuất hiện của ứng dụng hỏi đáp tự động (chatbot) ChatGPT của công ty khởi nghiệp Mỹ OpenAI, được tập đoàn Microsoft hậu thuẫn, đã thiết lập lại những khả năng của AI. Chỉ vài ngày sau khi ra mắt, ứng dụng đã tạo ra cơn sốt toàn cầu, "càn quét" làng công nghệ với những khả năng sáng tạo như con người, bao gồm làm thơ, soạn văn, viết luận... chỉ trong vài giây. Sau sự xuất hiện của ChatGPT, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như: Google, Apple và Baidu (Trung Quốc)... cũng bắt đầu dốc sức đầu tư phát triển AI cho riêng mình.  

AI và vấn đề quyền tác giả

Bức tranh Théâtre D'opéra Spatial do AI tạo ra được trao giải nhất hạng mục nghệ thuật số tại triển lãm bang Colorado (Hoa Kỳ). Ảnh: Getty Images 

Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Phan Diệu Linh, giảng viên Bộ môn Luật sở hữu trí tuệ, Khoa Pháp luật dân sự, Trường Đại học Luật Hà Nội nhận định: "Đến nay, AI đã phát triển để đưa ra những sản phẩm có mức độ phức tạp cao và có thể so sánh với khả năng sáng tạo của con người. Mặc dù là một sản phẩm do máy móc tạo ra nhưng với năng lực tự học hỏi, tự hoàn thiện, AI đã dần không còn phụ thuộc vào sự can thiệp của con người, nó có thể hoàn toàn độc lập trong việc ra quyết định và tạo ra sản phẩm riêng.

Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng vẫn chưa có quy định cụ thể xác định tư cách pháp lý của AI khi tham gia vào các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Quy định của nước ta chỉ coi tác giả là trung tâm của hệ thống quyền tác giả, nên quyền tác giả chỉ có thể được trao cho chủ thể sáng tạo là con người. Vì vậy, chỉ xem xét việc bảo hộ quyền tác giả đối với những tác phẩm do AI tạo ra nếu có sự tham gia sáng tạo của con người đối với việc hình thành tác phẩm".

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của AI cũng đồng thời cho thấy những thách thức pháp lý trong vấn đề xâm phạm quyền tác giả liên quan đến công nghệ AI. Mặc dù hiện nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận vụ việc tranh chấp liên quan đến tác phẩm do AI tạo ra, tuy nhiên ở nhiều nước trên thế giới, các vụ kiện liên quan đến AI đang dần trở thành một vấn đề phức tạp. Điển hình như vụ tranh chấp giữa Getty Images (Hoa Kỳ) và công ty Stability AI (Anh) xoay quanh vấn đề bản quyền khi sử dụng dữ liệu để huấn luyện AI. Giới nghệ thuật cũng có một vụ tranh chấp đình đám giữa 3 họa sĩ Sarah Andersen, Kelly McKernan và Karla Ortiz với các công ty Stability AI, Midjourney và DeviantArt. Những nghệ sĩ cáo buộc các công ty trên đã vi phạm quyền tác giả khi sử dụng AI để sao chép phong cách nghệ thuật cá nhân của họ mà không được phép.

Trước những thực tế này, TS Nguyễn Phan Diệu Linh cho rằng, việc dự báo những thách thức về pháp lý cũng như đề ra các giải pháp giải quyết thách thức về những vấn đề liên quan đến cơ chế bảo vệ quyền tài sản, quyền tác giả đối với tác phẩm được tạo ra bởi AI là điều tất yếu mà các nhà lập pháp Việt Nam cần phải làm. Để có cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ quyền tác giả đối với những tác phẩm có sự tham gia của AI, cũng như để đồng bộ với xu hướng quốc tế, TS Nguyễn Phan Diệu Linh cho rằng có thể điều chỉnh định nghĩa về tác giả trong khoản 1, Điều 12a Luật Sở hữu trí tuệ từ “tác giả là người có vai trò sáng tạo trực tiếp tác phẩm” thành “tác giả là người sáng tạo tác phẩm”. 

Quy định này sẽ góp phần mở rộng đối tượng áp dụng để công nhận quyền tác giả đối với những chủ thể không trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm như người phát triển AI, người đào tạo hay sử dụng AI. Đồng thời cũng cần mở rộng quy định cho phép ngoài tác giả, quyền sở hữu tác phẩm có thể được chuyển giao cho những nhà đầu tư như chủ sở hữu hệ thống AI, những người nắm giữ dữ liệu dùng để huấn luyện AI, các nhà xuất bản đã đầu tư vào việc sản xuất tác phẩm thông qua công nghệ AI. Hướng tiếp cận này sẽ góp phần tạo động lực sáng tạo cho các nhà phát triển AI, qua đó thúc đẩy ngành công nghệ AI phát triển.