Hội thảo "Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018"
Thứ tư, ngày 30-10-2024, 14:45
 
Ngày 30/10, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học thường niên với chủ đề “Đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ GDĐT; các trường đại học; các chuyên gia giáo dục; Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng Giáo dục phổ thông (GDPT) Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; giáo viên đến từ các trường THPT…

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà quản lý giáo dục và giáo viên trao đổi về các vấn đề liên quan đến đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông. Đồng thời, nhằm chia sẻ các kết quả, hướng nghiên cứu; thúc đẩy và mở rộng hoạt động hợp tác giữa các nhóm, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, hội thảo cũng xác định một số vấn đề lý luận, phương pháp và đổi mới trong đánh giá giáo dục; chia sẻ các bài học kinh nghiệm, những khó khăn, giải pháp và các vấn đề trong thực tiễn đánh giá học sinh khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu khai mạc hội thảo, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia - Trưởng Ban tổ chức hội thảo nhấn mạnh: Trong bối cảnh giáo dục hiện nay, việc đổi mới kiểm tra đánh giá là một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong các trường phổ thông. Đánh giá không chỉ đơn thuần là việc xác định kết quả học tập của học sinh, mà còn là một hoạt động dạy học quan trọng.

GS.TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

Việc cải tiến hoạt động đánh giá còn giúp tạo ra môi trường học tập tích cực hơn. Một hệ thống đánh giá linh hoạt và sáng tạo không chỉ khuyến khích học sinh tham gia tích cực vào quá trình học mà còn giúp giáo viên điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh. Khi giáo viên nhận diện được các điểm mạnh và điểm yếu của học sinh, họ có thể thiết kế các hoạt động học tập phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”.

Theo GS Lê Anh Vinh, trong quá trình đổi mới sâu rộng của nền giáo dục Việt Nam, việc đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình GDPT năm 2018 là yêu cầu cấp thiết để phù hợp với những thay đổi về chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy và môi trường giáo dục.

Đại biểu trao đổi tại hội thảo

Hội thảo nhìn lại 10 năm đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh giai đoạn 2013-2023, các chủ trương chính sách về đổi mới kiểm tra đánh giá trên lớp hiện nay, xây dựng chuẩn đánh giá đến những đổi mới trong các môn học cụ thể, đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cũng như ứng dụng công nghệ trong kiểm tra đánh giá. Đây không chỉ là nơi các nhà khoa học, chuyên gia chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm mà còn gợi mở, đặt ra những vấn đề nghiên cứu mới, góp phần vào đổi mới đánh giá trong trường phổ thông.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về các vấn đề quan trọng liên quan đến đổi mới đánh giá trong giáo dục phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh triển khai Chương trình GDPT 2018 như: Những vấn đề chung về đổi mới đánh giá trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; đổi mới đánh giá một số môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện Chương trình GDPT 2018; ứng dụng công nghệ trong kiểm tra, đánh giá; tầm quan trọng của việc đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình GDPT 2018.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nguyễn Ngọc Hà trao đổi tại hội thảo

Các báo cáo tại hội thảo cho thấy, quá trình triển khai chương trình GDPT mới đã thúc đẩy sự thay đổi lớn của giáo viên. Nhiều giáo viên đã thực sự thẩm thấu, cảm nhận và ủng hộ quá trình triển khai, đánh giá theo phẩm chất, năng lực của học sinh. Thay vì tập trung vào điểm số, góc độ ghi nhận, phản hồi giá trị cho học sinh mới là điều cần thiết.

Ghi nhận việc đánh giá sự tiến bộ của học sinh về phẩm chất, năng lực là một vấn đề khó, để triển khai hiệu quả, vai trò của giáo viên - những người trực tiếp thực thi công tác đánh giá học sinh là rất lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải để học sinh tự đánh giá, và đánh giá giữa các học sinh với nhau.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Đặc biệt, ngày 18/10/2024, Bộ GDĐT vừa công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. So với những năm trước, năm nay đề thi tham khảo được công bố sớm hơn gần 5 tháng. Đây là năm đầu tiên kỳ thi này được tổ chức theo chương trình mới - Chương trình GDPT 2018, các đại biểu ghi nhận, điều này sẽ giúp nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong quá trình dạy, học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi để đạt nhiều mục tiêu đề ra như phương án Bộ GDĐT đã công bố.

Những thông tin được đề cập, bàn luận trong hội thảo không chỉ tổng kết những kinh nghiệm trong thực tiễn triển khai nhiều năm qua, mà còn ghi nhận những kiến nghị, định hướng mới, góp phần gợi mở chính sách hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo