Ứng dụng chuyển đổi công nghệ số trong dạy học
Thứ bẩy, ngày 25-02-2023, 19:35
 
Ngày 21/2, tại lớp 10B Trường Phổ thông Tuyên Quang, cô Phạm Thị Liên - giáo viên bộ môn Ngữ Văn đã tổ chức tiết học ứng dụng chuyển đổi công nghệ số trong phương pháp giảng dạy tại trường phổ thông. Đây là một tiết học sôi động và mới mẻ với nhiều hoạt động và sự tham gia nhiệt tình của các em học sinh.

Dự giờ tiết học có các thầy cô là giảng viên Khoa Khoa học cơ bản Trường Đại học Tân Trào, Ban giám hiệu, các thầy cô giáo Trường Phổ thông Tuyên Quang.

Toàn cảnh tiết dạy Ngữ văn tại lớp 11B, Trường Phổ thông Tuyên Quang

Trong tiết học, các em học sinh đã thực hành nhiều hình thức trình bày khác nhau như: hoá thân thành MC dẫn chương trình, thuyết trình bài làm trước lớp để tìm hiểu và trao đổi về nội dung bài học.

Học sinh trình bày nội dung bài học với hình thức độc đáo

Cùng với những trải nghiệm của học sinh là phương pháp giảng dạy năng động của cô giáo Phạm Thị Liên. Kết hợp với hình thức giao bài tập về nhà để học sinh chuẩn bị, cô Liên đã mở rộng mối liên kết giữa văn học và điện ảnh bằng hình thức xem video để học sinh thấy được những góc độ nhìn nhận khác nhau của văn học.

Đặc biệt trong tiết dạy, cô giáo Phạm Thị Liên đã thực hiện ứng dụng chuyển đổi công nghệ số vào nội dung bài dạy của mình. Sử dụng phần mềm Quizizz - trò chơi hoá bài học để đánh giá, kiểm tra lại kiến thức bài học của học sinh trong tiết học. Những câu hỏi trắc nghiệm được kết nối với âm nhạc, hình ảnh, màu sắc. Nội dung kiểm tra được tổ chức dưới hình thức trò chơi, thêm vào đó là những hiệu ứng nhân đôi số điểm, cơ hội trả lời lại câu sai ... học sinh đã tham gia nhiệt tình và hoàn thành xuất sắc.

Các em học sinh thích thú tham gia trò chơi

Qua nội dung bài học, các em học sinh đã được thực hiện nhiều kỹ năng khác nhau, chủ động chia sẻ và tìm hiểu nội dung bài học. Nội dung chuyển đổi số giúp các em hứng thú hơn với việc làm bài, tự ôn tập và tìm hiểu kiến thức. Giáo viên cũng dễ dàng hơn trong việc giao bài tập cùng như theo dõi quá trình làm bài của học sinh.

Thực hiện: Phạm Hương, Ngọc Xuân