Điều quan trọng nhất khi rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh cũng như bất kỳ một kỹ năng nào khác, chính là bạn phải chịu khó. Thực trạng ở Việt Nam đã chỉ ra đa phần trẻ sẽ rất sợ nói trước công chúng, sợ phải giao tiếp với người khác, nhất là đối với những người mới tiếp xúc ban đầu. Đó chính là lí do nhà trường – người được các bậc phụ huynh tin tưởng trao con phải tìm ra bằng được giải pháp tốt nhất để trau dồi khả năng giao tiếp cho học sinh của mình.
Nắm bắt rõ nguyên nhân để tìm phương pháp rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh
- Thiếu kĩ năng nói và từ vựng: Học sinh giao tiếp không giỏi một phần bởi không biết nói gì, phần khác sợ bản thân nói sai nên không dám nói. Tình trạng này để lâu có thể khiến học sinh rất ngại khi trò chuyện với người khác, trong lớp hoặc trong các buổi ngoại khóa chỉ ngồi im lặng và về dài sẽ mất đi sự năng động vốn có của tuổi mới lớn.
- Thói quen: Người Việt Nam từ xưa đến nay luôn có câu “một điều nhịn, chín điều lành”. Nhìn về mặt tích cực thì lâu nay ta đều thấy rõ. Tuy nhiên, việc lúc nào cũng “nhịn” để giữ hòa khí sẽ khiến trẻ không dám nói lên và bảo vệ quan điểm của mình. Thói quen này cũng có thể bị hình thành trong sinh hoạt gia đình, như “im lặng là ngoan ngoãn, là tốt” nên không giao tiếp. Phải hiểu rõ rằng, một học sinh giao tiếp tốt chỉ khi nó biết nói lúc nào và dừng lúc nào cho đúng lúc chứ không phải bao giờ cũng tuân theo những áp đặt của lề lối mà người đi trước đã đặt ra.
- Rào cản tâm lý: Học sinh mắc phải các chướng ngại tâm lý luôn có cảm giác bị đóng băng, sợ hãi đến mức tâm trí của chúng hoàn toàn trống rỗng khi phải đứng tại các chốn đông người hoặc đơn giản chỉ là việc bị gọi bất chợt trả lời câu hỏi trong lớp học. Thay vì nói tự tin như bản thân mong muốn, học sinh đó thường lúng túng và không tìm được đúng từ ngữ thích hợp diễn tả suy nghĩ của mình.
Những phương pháp rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh hiệu quả
- Để học sinh tự do thể hiện suy nghĩ thay vì áp đặt: Thay vì áp đặt suy nghĩ của bản thân lên học sinh, thầy cô nên kiên nhẫn nghe học sinh của mình trình bày quan điểm cá nhân. Khi thấy học sinh lúng túng và khó khăn trong việc diễn đạt thành lời nói, đừng vội nạt nộ, quát mắng và để mặc các bạn trong lớp cười đùa, mà hãy dẫn dắt gợi ý cho con đi đến đáp án cuối cùng.
Sau mỗi lần học sinh hoàn thành xong câu trả lời, đừng vội quan tâm đến vấn đề đúng sai ở đây, trước tiên hãy khen ngợi quan điểm của chúng để con cảm thấy tâm tư, suy nghĩ của mình được tôn trọng thực sự. Chính từ những bước nhỏ như vậy, lần sau và các lần tiếp theo nữa, học sinh sẽ tự tin hơn khi bày tỏ quan điểm, tranh luận hay giao tiếp trả lời với thầy cô hay các bạn khác trong lớp để cùng học tập.
- Hãy thấu hiểu và lắng nghe chia sẻ của con trẻ: Có những trường hợp thầy cô, cha mẹ có lắng nghe, nhưng lại đánh giá vấn đề trở ngại tâm lý trong giao tiếp của học sinh chỉ là chuyện “vặt vãnh” và sẽ cải thiện dần khi chúng lớn hơn chút nữa. Việc lắng nghe ở đây là cả một quá trình, tùy thuộc vào sự cởi mở và tính cách của mỗi người học sinh. Cha mẹ, thầy cô nên trở thành người bạn của con, tiếp cận trẻ một cách chậm rãi, tạo thời gian để con thích nghi dần với phương pháp đã đặt ra cho việc rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh.
Nếu học sinh là người nhút nhát, tự ti, không giao tiếp hay sợ hãi khi phải nói, hãy tìm hiểu những vấn đề chúng đang gặp phải, hoặc cố gắng đứng dưới góc nhìn của con để suy xét, bạn sẽ hiểu con đang nghĩ và cảm nhận gì để có thể trò chuyện khích lệ con.
- Xem kỹ năng giao tiếp như một môn học chính khóa: Với tầm quan trọng trong thời đại hiện nay, việc rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh hoàn toàn xứng đáng được đưa vào chương trình học tập tại các trường học. Tăng cường các tiết học ngoại khóa cho học sinh để chúng có thể tương tác với xã hội, với bạn bè đồng trang lứa sẽ là một điều tuyệt vời để giúp trẻ thoát ra khỏi vỏ bọc của mình và bắt đầu thực hành sự tương tác, rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Rèn kỹ năng giao tiếp cho học sinh không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nó thực sự cần sức bền bỉ và kiên trì từng ngày. Hãy học cách quan tâm và làm người định hướng dẫn dắt cho trẻ bằng việc thường xuyên hỏi han hay lập tủ sách trong lớp học về những tư liệu, mẩu truyện nói đến những tấm gương đã vượt qua nỗi sợ giao tiếp. Tư liệu và bí quyết trong những cuốn sách cũng có thể truyền động lực cho trẻ rất nhiều.