Điều tối kị khi làm bài môn Ngữ văn là dùng tiếng lóng, ngôn ngữ mạng
Thứ năm, ngày 09-06-2022, 08:54
 
Bên cạnh các lưu ý về mặt trình bày, thí sinh thi môn Ngữ văn cần đọc kỹ đề, tránh bỏ sót những câu hỏi nhỏ, xác định trọng tâm đề bằng cách gạch chân từ khóa.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương đang bước vào giai đoạn "nước rút" đòi hỏi giáo viên – học sinh phải có cách ôn tập khoa học và hiệu quả.

Trước tâm lý lo lắng của nhiều thí sinh, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có lắng nghe chia sẻ của một số giáo viên Ngữ văn nhằm giúp thí sinh tìm ra kinh nghiệm ôn thi hiệu quả nhất.

Đọc hiểu là phần dễ "kiếm" điểm nhất

Theo cô Dương Thùy Linh (trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông M.V Lômônôxốp, Hà Nội), cấu trúc đề thi vào 10 bám sát chương trình Ngữ văn 9, kiểm tra toàn diện từ kĩ năng đọc hiểu văn bản đến nghị luận văn học và nghị luận xã hội, học sinh có thể thể hiện được tư duy, cảm nhận văn học và hiểu biết xã hội.

‘Đối với môn Ngữ văn trong kỳ thi vào 10 thì phần giúp học sinh dễ lấy điểm nhất là phần Đọc hiểu với hai cấp độ câu hỏi. Ở cấp độ nhận biết thì học sinh hoàn toàn có thể dành điểm tối đa ở phần hỏi thông tin về tác giả, tác phẩm, thể loại, hoàn cảnh sáng tác, phát hiện yếu tố tiếng Việt. Còn câu hỏi ở cấp độ thông hiểu thì đáp án thường có thể dễ dàng suy luận ra từ ngữ liệu cho sẵn.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Lã Bích Nga (trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Việt Úc, Hà Nội) khẳng định hai câu nhận biết ở hai phần Đọc hiểu - Nghị luận xã hội, Đọc hiểu - Nghị luận văn học tương đối dễ, học sinh chỉ cần nhận diện phương thức biểu đạt hoặc ghi nhớ hoàn cảnh sáng tác của văn bản là có thể dành trọn điểm.


Cô Nguyễn Hoàng Linh cùng các em học sinh (ảnh: NVCC)

Bên cạnh câu hỏi Đọc – hiểu, cô Nguyễn Hoàng Linh (trường Trung học phổ thông chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc) còn đánh giá cao câu viết đoạn văn, cô chia sẻ:

“Nhiều em thường cho rằng câu viết đoạn văn rất khó “kiếm” điểm nhưng ngược lại, khi học sinh nhớ được ‘mẹo’ làm bài thì việc viết đoạn văn không hề khó. Ví dụ với đoạn văn diễn dịch, câu chủ đề sẽ là câu đầu tiên; với đoạn văn quy nạp, câu chủ đề nằm ở vị trí cuối cùng.

Khi làm bài, các thí sinh cần lưu ý đánh số câu và yêu cầu tiếng Việt để tránh viết đoạn văn không đúng yêu cầu dung lượng và mất điểm tiếng Việt”.

Tránh những sai lầm “kinh điển” trong mỗi bài thi

Bàn về những sai lầm khi làm bài thi Ngữ văn, cả 3 giáo viên trên đều cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc học sinh thiếu hụt kỹ năng, nắm không chắc nội dung văn bản và chủ quan trong việc tiếp cận đề.

Cô giáo Lã Bích Nga - tổ Ngữ văn trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Việt Úc (ảnh: NVCC)

Cô Lã Bích Nga cho hay: “Lỗi thường gặp nhất là học sinh không đọc kỹ đề, dẫn tới tình trạng bỏ sót gây mất điểm đáng tiếc. Điển hình với đề Ngữ văn của thành phố Hà Nội – dạng đề thường có nhiều câu hỏi nhỏ lồng trong một câu hỏi lớn.

Thứ hai, thí sinh thường trả lời theo ý hiểu cá nhân, hiểu gì viết nấy mà không bám vào ngữ liệu để trả lời. Vì vậy, các em chỉ được ¼ hoặc cùng lắm là ½ tổng điểm ở câu hỏi đó.

Thứ ba, ngữ pháp sử dụng trong phần làm văn của nhiều thí sinh không được trau chuốt, dùng văn nói thay vì văn viết, dùng nhiều từ địa phương, tiếng lóng, thậm chí là ngôn ngữ mạng. Điều này không phù hợp với quy chuẩn của một bài làm văn.

Hơn nữa, thí sinh cũng thường quên đánh số câu dẫn tới đoạn văn quá thiếu hoặc thừa dung lượng. Khá nhiều em dùng câu văn quá nhiều ý khiến diễn đạt lủng củng hay quên chú thích yêu cầu tiếng Việt trong đoạn văn Nghị luận Văn học”.


Cô Dương Thùy Linh nhấn mạnh lỗi sai có thể đến ngay từ những câu hỏi dễ nhất trong đề thi (ảnh: NVCC)

Còn cô Dương Thùy Linh chỉ ra thực tế lỗi sai có thể đến từ ngay những câu hỏi dễ (câu nhận biết và thông hiểu). “Thật đáng buồn khi hai dạng câu hỏi cơ bản trên lại gây khó dễ cho kha khá bạn học sinh lớp 9 và trở thành lỗi sai “kinh điển”. Nguyên nhân chủ yếu là do đọc đề vội vàng, thiếu kỹ năng thu thập và liên kết thông tin.

Một lỗi nữa khiến phần Đọc hiểu khó đạt điểm tối đa là do câu trả lời của thí sinh chưa thể hiện đủ các tầng tư duy, nói nôm na là “không có lớp có lang”. Thí sinh chỉ đơn thuần là trình bày suy nghĩ của mình một cách cảm tính, thiếu sự phân tích, đánh giá và kết luận.

Với riêng phần nghị luận Văn học và nghị luận xã hội, rất nhiều trường hợp chỉ viết ý nhưng không viết dẫn chứng, dẫn chứng sai, lấy dẫn chứng văn học áp vào bài nghị luận xã hội. Điều này dẫn tới tình trạng bài viết sơ sài, thiếu thuyết phục, không giải quyết được luận đề”, cô Linh chia sẻ.

Nhằm giải quyết tình trạng trên, cô Lã Bích Nga đưa ra lời khuyên: “Thí sinh hãy gạch chân các từ khóa quan trọng, sàng lọc các nhóm câu hỏi, xác định mỗi nhóm câu có bao nhiêu lệnh. Khi làm xong một lệnh, thí sinh nên dùng bút gạch chân lệnh đó để tránh việc nhầm lẫn. Mặt khác, thí sinh cần bám sát chủ đề và nội dung chính của ngữ liệu”.

Theo cô Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, việc trình bày bài viết sao cho thông thoáng, sạch đẹp cũng là điểm cộng rất lớn. Cùng với đó, thí sinh nên viết những câu ngắn gọn, đủ chủ ngữ, vị ngữ, diễn đạt vào trọng tâm; tránh trường hợp viết dài dòng, lan man.

Ôn tập khoa học và dành ra 5 phút đầu để “xử lý” đề thi

“Ở chặng cuối của quá trình ôn tập, học sinh nên khoanh vùng kiến thức trọng tâm, ôn bài một cách khoa học, hệ thống, không nên học thuộc lòng mà hãy triển khai bài học theo sơ đồ tư duy. Sơ đồ sẽ giúp các bạn ghi nhớ lâu hơn, dễ dàng ‘đối phó’ với mọi kiểu đề và tăng tính logic cho bài viết”, cô Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Song song với phương pháp tự học, tự ôn bài, cô Lã Bích Nga đề cao việc học tập theo cặp, theo nhóm bằng cách học sinh tự ngồi lại, tự rà soát xem trong cấu trúc đề thi mình nắm chắc và chưa nắm chắc những phần nào. Với các phần đã nắm chắc thì có thể tự ôn tập, với các phần chưa nắm chắc, hãy hỏi thầy cô để được giải đáp kỹ lưỡng hơn.

Một mẹo nhỏ để các em hình thành đoạn văn chất lượng là gạch ý ra giấy xoay quanh chủ đề của đoạn, hình thành đoạn văn hoàn chỉnh trong đầu, mắc chỗ nào sẽ rà soát lại kiến thức chỗ đó để khắc ghi.

Điều rất cần thí sinh lưu ý trong giai đoạn nước rút, đó là luyện đề, tự làm bài thi để phân bố thời gian hợp lý cho các phần, các câu hỏi trong đề luyện. Khi vào phòng thi, học sinh nên ghi mức thời gian cho phép lên tờ đề thi để điều chỉnh thời gian dung lượng phù hợp cho bài làm.

Còn cô Dương Thùy Linh khuyên thí sinh khi cầm đề thi trên tay thì nên đọc đề kỹ lưỡng, gạch chân những từ khóa quan trọng và ghi thật to ra giấy nháp phòng trường hợp quên. Với bài làm văn, thí sinh hãy lập dàn bài trước, phác thảo ý chính một cách ngắn gọn, viết năm dẫn chứng mà bạn nhớ nhất và bắt đầu triển khai theo hướng đó.

Lưu ý không nên lập dàn bài quá dài gây tốn thời gian, quá trình tiếp nhận, xử lý đề nêu trên cần diễn ra trong năm phút đầu tiên. Học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý cho mỗi câu hỏi, tránh tình trạng các câu trả lời không cân đối.