Các thủ khoa ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chia sẻ cách ôn tập ''học đâu chắc đó''
Thứ ba, ngày 21-03-2023, 10:13
 
Lên kế hoạch học và ôn tập hợp lý, luyện đề thi, phân chia thời gian ôn tập các môn phù hợp,... là những bí quyết mà các thủ khoa chia sẻ.

Phân chia thời gian ôn tập từng môn phù hợp với trình độ của mình

Trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, em Đặng Thị Khánh Linh, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) là thủ khoa toàn quốc khối D01 với 28,7 điểm (Toán 9,4; Anh 9,8; Văn 9,5 điểm). Hiện tại, Linh đang là sinh viên năm nhất ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường Đại học Ngoại Thương.

Linh tự nhận mình là người... không học nhiều, nhưng học đến phần kiến thức nào em đều nắm chắc phần đó. Mỗi ngày, Linh chỉ dành khoảng 1-2 tiếng đồng hồ cho việc học, còn lại là khoảng thời gian nghỉ ngơi và làm những việc khác.

Chia sẻ về bí quyết học và ôn tập, Linh cho biết, điều quan trọng là phân chia thời gian cho các môn học phù hợp theo trình độ từng môn của mình và lên kế hoạch học, ôn tập theo từng giai đoạn để không phải học dồn vì quá tải kiến thức.

Em Đặng Thị Khánh Linh. Ảnh: NVCC

Môn Toán từng là môn Linh lo nhất nên nhớ lại quá trình học và ôn thi, Linh cho biết: "Em đầu tư nhiều thời gian và công sức vào môn học này, tập trung nắm vững các phương pháp làm bài và kiến thức cơ bản ngay ở lớp học chính khóa và củng cố ở lớp ôn tập. Khi về nhà, em tranh thủ hoàn thành luôn khối lượng bài tập ngày hôm ấy".

Đặc biệt, nữ sinh lưu ý, các bạn học sinh không nên làm quá nhiều đề từ các nguồn khác nhau cũng như không nên tham khảo nhiều phương pháp giải bài từ các thầy cô khác nhau, vì như vậy sẽ dễ bị "loạn" trong lúc làm bài thi thật.

Còn với môn Ngữ văn, Linh thừa nhận, việc ghi nhớ các ý, các dẫn chứng liên hệ, một số câu văn nhằm áp dụng vào bài thi đối với bản thân là điều khó khăn. Để khắc phục, nữ sinh chăm chỉ nghe bài giảng văn của thầy cô, xem lại vở ghi vào mỗi buổi sáng và luyện viết vào mỗi buổi tối vì đó là những thời điểm yên tĩnh nhất, để Linh có thể tập trung cảm thụ và viết Văn.

Riêng với tiếng Anh, đây là môn học mà Linh đam mê nhất. Những kỹ năng, từ vựng về tiếng Anh được Linh đúc rút từ việc tham gia nhiều cuộc thi, luyện tập làm bài. Nữ sinh từng áp dụng các kinh nghiệm học tiếng Anh trên mạng, nhưng thấy không phù hợp với bản thân nên ngừng lại.

Theo Linh, để làm bài thi tiếng Anh được điểm cao thì thí sinh phải chăm chỉ học thuộc từ vựng và ôn lại thường xuyên bằng phương pháp Spaced Repetition (kỹ thuật lặp lại ngắt quãng) cũng như phải nắm vững ngữ pháp cơ bản. Với tiếng Anh, thì việc luyện đề ngay từ giai đoạn đầu là cách hiệu quả để học từ vựng và ngữ pháp.

“Để làm tốt nhất bài thi trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông bắt buộc thí sinh phải biết cách phân bổ thời gian làm bài với từng dạng câu hỏi hợp lý. Đối với các câu dễ thì làm câu nào chắc câu đó, còn với các câu khó thì cần đánh giá tổng quan xem câu nào khả thi, có thể giải được để tập trung làm trước, tránh mất quá nhiều thời gian vào những câu hỏi quá khó so với bản thân trong khi những câu khả thi hơn chưa làm", Linh lưu ý.

Thủ khoa chưa từng đi học thêm bên ngoài trường

Phạm Văn Linh là cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Yên Khánh A (Ninh Bình). Linh đang là sinh viên năm nhất ngành Khoa học máy tính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022, Linh là thủ khoa cả nước với 56,85 điểm. Cụ thể, nam sinh đạt trên 9 điểm ở tất cả các môn dự thi: Toán 9,2 điểm; Văn 9,25 điểm; Lịch sử 10 điểm, Địa lý 9,25 điểm; Giáo dục công dân 9,75 điểm và Ngoại ngữ 9,4 điểm.

Dù đạt mức điểm cao ở tất cả các môn trong khối thi nhưng Linh cho biết, từ nhỏ đến giờ em chưa từng đi học thêm bên ngoài nhà trường.

Em Phạm Văn Linh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về phương pháp học, Linh nói, bản thân lên kế hoạch học và ôn tập theo từng giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ đầu năm lớp 12 đến trước kì thi 3 tháng), nam sinh tập trung nghe giảng để tiếp thu kiến thức thầy cô truyền đạt ngay ở trên lớp. Nhờ vậy, khi về nhà, Linh chỉ cần ôn lại và làm bài tập, việc "học đâu chắc đó" giúp cho giai đoạn sau không phải học lại.

Giai đoạn 2 (thời gian còn lại đến trước ngày thi 1 tuần), Linh ôn tập sâu, kỹ hơn các môn thi. Để đạt được hiệu quả cao nhất, nam sinh thường lập thời gian biểu ôn tập cho từng tuần một, phân chia thời gian đồng đều giữa các môn; chủ động luyện đề mà các thầy cô giao cũng như tìm kiếm các đề thi của các năm trước, đề thi thử của các tỉnh/thành để luyện thêm.

“Để có thể đạt được điểm cao ở tất cả các môn trong khối thi, em sắp xếp và phân chia thời gian ôn tập đồng đều. Buổi sáng em thường dậy sớm từ 5 giờ 30 để ôn các môn như Văn, Lịch sử, Giáo dục công dân; còn buổi tối em dành thời gian cho Toán, tiếng Anh, Địa lý”, Linh nói.

Chia sẻ về điểm 10 môn Lịch sử, Linh cho biết, nhờ phương pháp dạy học dễ hiểu và cuốn hút của giáo viên nên ngay khi ở trên lớp, nam sinh gần như đã nắm chắc các kiến thức của môn học này. Vì vậy, đến khi về nhà, để thuận tiện hơn cho việc ôn tập, em thường lập các sơ đồ tư duy để dễ nắm bắt ý chính và nhớ các sự kiện, chi tiết lâu hơn.

“Để ôn tập môn Lịch sử được dễ dàng và hiệu quả, các bạn học sinh có thể thử vẽ sơ đồ tư duy, không nhất thiết phải theo quy chuẩn nào, hãy vẽ bất kì loại sơ đồ nào mà các bạn cảm thấy dễ nhớ, dễ học (có thể là sơ đồ hình cây, hoặc bảng,…).

Quan trọng nhất là các bạn nắm chắc các kiến thức cốt lõi ngay từ các bài giảng của thầy cô ở trên lớp, để khi về nhà chỉ cần tự đọc, tự học, tự rèn luyện kiến thức bằng cách luyện đề là đã có thể tự tin lấy điểm 8, 9, thậm chí là điểm 10 môn Lịch sử”, Linh chia sẻ.

Học chắc, học kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa và luyện đề

Cũng là sinh viên năm nhất ngành Kinh tế Đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương, em Bùi Đức Anh, cựu học sinh Trường Trung học phổ thông Quỳnh Côi (Thái Bình) là thủ khoa khối B toàn quốc năm 2022. Cụ thể, Đức Anh đạt 29,35 điểm, trong đó Toán 9,6; Hóa 9,75 và Sinh 10.

Em Bùi Đức Anh. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập để giành thành tích cao, Đức Anh cho biết, phương pháp học của em là học chắc, học kỹ kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa trước, sau đó em mới bắt tay vào luyện các bộ đề. Ở thời điểm học, ôn thi, Nam sinh đặt mục tiêu mỗi ngày làm được một đề Toán, Hóa, Sinh; nếu thừa thời gian sẽ làm thêm Toán vì đây là môn Đức Anh ít tự tin nhất.

Mỗi câu hỏi, mỗi bộ đề Đức Anh đều làm cẩn thận, câu nào chắc chắn câu đó. Nhờ cách học như vậy, khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nam sinh không bị bỡ ngỡ và làm các câu hỏi từ dễ đến khó một cách chủ động nhất.

Theo kinh nghiệm của Đức Anh, thí sinh cần vững kiến thức cơ bản, chắc phần câu hỏi thông hiểu và nếu có thời gian thì rèn thêm phần câu hỏi vận dụng cao. Trong quá trình ôn thi, nam sinh cũng luôn giữ tinh thần thoải mái, chú ý sức khỏe và chế độ ăn uống điều độ.

“Thông thường, sau khi thi xong, một số học sinh sẽ nuối tiếc vì mình sai những câu “không đáng sai” vì nó quá dễ. Chính vì vậy, để tránh rơi vào tình trạng như vậy, các bạn thí sinh cần chuẩn bị tâm lí tự tin, vững vàng khi vào phòng thi. Trong lúc làm bài thi nên dành thời gian kiểm tra lại toàn bộ câu trả lời ít nhất một lần”, Đức Anh nhấn mạnh.

Nguồn: giaoduc.net.vn