Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân
Thứ bẩy, ngày 15-04-2023, 15:40
 
Thầy Trương Văn Minh, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) hướng dẫn học sinh ôn tập hiệu quả môn Giáo dục công dân thi tốt nghiệp THPT.

 

Ảnh minh họa/ITN.

Dùng hệ thống từ khóa, sơ đồ tư duy

Theo thầy Trương Văn Minh, tốt nghiệp THPT là một kỳ thi vô cùng quan trọng, đánh giá cả quá trình tích lũy kiến thức của bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 của học sinh; đồng thời mở ra cánh cửa mới - cánh cửa nghề nghiệp trong tương lai.

Để có kết quả thi tốt, học sinh phải có kiến thức vững chắc và kỹ năng làm bài tốt. Vì vậy, khâu ôn tập giúp học sinh nắm được đầy đủ kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng, liên hệ thực tế và kỹ năng làm bài hiệu quả để tự tin bước vào kỳ thi quan trọng một cách chủ động.

Đối với môn Giáo dục công dân, cần phải đảm bảo nội dung chương trình bài học, không cắt xén chương trình. Giáo viên phải cung cấp đủ cho học sinh kiến thức các mức độ: nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp và vận dụng cao.

Ôn tập phần này, thầy Trương Văn Minh lưu ý, học sinh có thể luân phiên nhắc lại kiến thức đã học bằng hệ thống các “từ khóa chung”. Đây là một phần rất quan trọng để học sinh nhớ nhanh, nhớ lâu mà tốn ít thời gian. Bằng hệ thống từ khóa này các con có thể ghi nhớ kiến thức luôn ngay khi học tập ở trên lớp.

Ngoài ra, sơ đồ tư duy cũng là phương pháp kết nối mang tính đồ hoạ có tác dụng lưu giữ, sắp xếp, xác lập thông tin bằng cách sử dụng từ hay hay hình ảnh then chốt hoặc gợi nhớ nhằm làm bật lên các ký ức cụ thể và phát sinh các ý tưởng mới.

Phương pháp này khai thác khả năng ghi nhớ và liên hệ các dữ liệu lại với nhau bằng một cấu trúc cơ bản được phát triển rộng ra từ trung tâm. Chúng được dùng bởi các đường kẻ, biểu tượng, hình ảnh đơn giản, dễ hiểu.

Sơ đồ tư duy giúp học sinh có được cái nhìn tổng quan về bài học, hệ thống kiến thức được tổ chức chặt chẽ, quan hệ giữa các ý được chỉ ra tường tận. Ý càng quan trọng, càng gần trung tâm, giúp não hoạt động nhẹ nhàng nhưng lưu trữ nhiều và nhớ kiến thức được, nhanh hơn, lâu hơn.

Hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT môn Giáo dục công dân  ảnh 1

Thầy Trương Văn Minh.

Minh họa bằng ví dụ thực tiễn, xây dựng bài tập trắc nghiệm

Cùng với đó, thầy Trương Văn Minh cho rằng, việc lấy ví dụ thực tiễn minh hoạ và xây dựng bài tập trắc nghiệm thực hành cũng rất quan trọng. Đây là phần rất quan trọng trong quá trình ôn tập.

Môn Giáo dục công dân là môn học có kiến thức gần gũi với cuộc sống, vì vậy học sinh phải biết vận dụng lý thuyết để giải quyết các tình huống thực tiễn một cách hợp lý thì mới đạt yêu cầu về kỹ năng, thái độ.

Tuy nhiên, đa số học sinh thường hay phạm lỗi chỉ học thuộc kiến thức trong sách giáo khoa một cách thụ động mà chưa hiểu rõ bản chất từng đơn vị kiến thức, vì vậy chưa phân biệt được các dạng kiến thức trong bài, để từ đó biết đánh giá, nhận xét hành vi và có thái độ đúng đắn trước các hành vi đó.

Giáo viên phải lấy ví dụ tình huống pháp luật cụ thể và giải thích cho học sinh rõ vì sao lại chọn đáp án đó để học sinh hiểu bản chất vấn đề và biết vận dụng nếu gặp tình huống tương tự.

Với phương châm: học đi đôi với hành, sau mỗi bài học lý thuyết giáo viên cần có bài tập thực hành để học sinh vừa làm quen với phương pháp thi mới, vừa là cách để ôn lại, kiểm tra kiến thức mình đã được học thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm với các mức độ nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao). Cấp độ ôn tập từ dễ đến khó, từ thấp đến cao.

Cùng với đó, học lý thuyết từng bài đi đôi với làm bài tập thực hành. Sau khi học xong lý thuyết cũng là lúc “tổng ôn tập” với các đề luyện thi, là tổng hợp kiến thức của rất nhiều bài gộp lại theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD&ĐT.

Để luyện khả năng thực chiến cho học sinh, cần ôn tập theo các dạng đề tình huống thực tế, tổ chức những kỳ thi thử để học sinh được cọ xát và thử lửa nhiều hơn.

Hệ thống đề thi và đề ôn thi giáo viên đưa ra cũng cần bám sát với đề tham khảo mang tính vận dụng cao để khi bước vào chinh phục kỳ thi chính thức. Nhờ đó, học sinh sẽ không bị bỡ ngỡ và choáng ngợp trước những câu hỏi vận dụng hóc búa và mang tính thách thức.

Và hơn thế, “mưa dầm thấm lâu” là phương pháp rất tốt giúp học sinh rèn luyện được kiến thức, các kỹ năng cần thiết để tự tin bước vào kỳ thi một cách chủ động, hiệu quả.

Báo Giáo dục & Thời đại