Nguồn gốc và ý nghĩa sâu sắc của Ngày Quốc khánh
Thứ tư, ngày 01-09-2021, 10:12
 
Quốc khánh là ngày lễ quan trọng nhất của một đất nước vì nó đánh dấu sự ra đời của quốc gia đó. Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 đang đến rất gần, mỗi người dân Việt Nam lại mang trong mình những cảm xúc bồi hồi, niềm tự hào về đất nước. Hãy cùng Printgo tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này

Giới thiệu tổng quan về ngày Quốc khánh

Quốc khánh dịch ra có nghĩa là “việc mừng, lễ mừng của cả nước”. Việc khai sinh ra một đất nước được xem là “việc mừng” lớn nhất của đất nước đó nên được gọi là “quốc khánh”. Tóm lại, chúng ta có thể hiểu “quốc khánh” là ngày lễ kỷ niệm quan trọng nhất của lịch sử một đất nước và là ngày thành lập nhà nước.

Quốc khánh được xem như ngày lễ chính thức lớn nhất của một quốc gia vì là đó là ngày đất nước, dân tộc được sinh ra. Các quốc gia thường lấy ngày cách mạng thành công, ngày đọc bản Tuyên ngôn độc lập hay ngày thành lập chính thể mới làm ngày Quốc khánh. Ở mỗi quốc gia, ngày Quốc khánh sẽ được quy định trong đạo luật cơ bản của Nhà nước.

Tại Việt Nam, ngày Quốc khánh được tổ chức vào 2/9 hằng năm - là ngày Bác đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nguồn gốc của ngày Quốc khánh Việt Nam và ý nghĩa của Bản Tuyên ngôn độc lập

Sau khi nhân dân ta đạt được thắng lợi ở Hà Nội và nhiều nơi khác, ngày 25/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Trung ương đón Bác về ở căn gác 2 tại địa chỉ số 48 Hàng Ngang để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng để bàn về các công tác đối nội và đối ngoại, quyết định khẩn trương tổ chức lễ ra mắt của chính phủ lâm thời.

Từ sáng sớm ngày 2 tháng 9, hàng trăm nghìn người xếp hàng ngũ chỉnh tề, mang theo cờ hoa khoe sắc, áo quần đỏ tươi dồn về phía Ba Đình. Những biểu ngữ nền đỏ chữ vàng bằng nhiều thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa, Nga chăng khắp đường phố. Các dòng chữ như “Nước Việt Nam là của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”, “Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã thể hiện mạnh mẽ ý chí của nhân dân ta. Lễ đài đơn sơ bằng gỗ được dựng giữa quảng trường Ba Đình, các đội tự vệ vũ trang và những đơn vị Quân Giải phóng mặc quân phục nghiêm trang, đội mũ ca lô, đứng hàng ngũ thẳng tắp trước lễ đài. Những chiến sĩ cách mạng vừa sát cánh cùng nhân dân vùng dậy cướp chính quyền nay vẫn cầm chắc tay súng quyết bảo vệ nền Độc lập mới ra đời. Hơn 500 nghìn người đại diện cho mọi tầng lớp nhân dân, đều mang trong mình sự hân hoan phấn phởi mong chờ sự khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngay tại thời điểm đó, các cuộc mít tinh lớn tại Huế, Sài Gòn và nhiều thành phố khác đã được tổ chức. Triệu trái tim đều đồng lòng hướng về thủ đô Hà Nội.

Khi đồng hồ điểm đúng 14 giờ, Bác Hồ và các thành viên trong Chính phủ lâm thời tiến ra lễ đài. Bản nhạc Tiến quân ca vang lên hùng tráng, mọi ánh mắt đều hướng về lá cờ đỏ sao vàng đang được kéo lên. Mọi người cùng giơ bàn tay đặt lên ngang vai, biểu hiện lòng quyết tâm và ý chí sắt đá, kính chào lá quốc kỳ của Tổ quốc.

Ý nghĩa ngày Quốc khánh 2/9 

Đây là dịp để tất cả người dân Việt Nam và đồng bào cả nước cũng như bào kiều ở nước ngoài cùng hướng về tổ quốc. Chúng ta cùng nhau tưởng nhớ về những người anh hùng đã bất khuất hy sinh vì độc lập dân tộc, biết ơn người anh hùng vĩ đại của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các thế hệ sau khi nhìn lại chặng đường gian nan và hào hùng của dân tốc sẽ càng thêm yêu nước và cống hiến vì dân tộc.

Với ý nghĩa và tầm vóc lớn lao, ngày 2 tháng 9 trở thành ngày lễ lớn của dân tộc ta. Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh diễn ra rất nhiều hoạt động kỷ niệm và giải trí thu hút rất nhiều người.

Một số hình ảnh ngày Quốc khánh Việt Nam